xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tuổi thơ lạc lối

Thu Hồng - Nam Giao

L.T.S: Các em trong độ tuổi 13-18 đang trong giai đoạn trưởng thành, có nhiều điều hay nhưng cũng ẩn tàng không ít xốc nổi, phá phách và hư hỏng. Nhìn thẳng vào thực trạng đó cũng nhằm giúp gia đình, nhà trường và xã hội có cách định hướng, giáo dục lớp trẻ tốt hơn.

Dạo quanh một số tiệm net - game trên địa bàn quận 2, bất kể thời gian nào, chúng tôi cũng gặp nhiều học sinh, khoảng từ 10 - 18 tuổi, say sưa dán mắt vào màn hình máy tính, tay bấm liên hồi, miệng không ngớt chửi rủa đối phương bằng những lời lẽ nặng nề.

Có học hành gì đâu mà lên lớp!

Húp vội tô mì gói, N.N.T (học sinh lớp 7 Trường THCS Lương Định Của, quận 2) kể: “Ở nhà cấm thì em ra quán này chơi, chơi bao lâu cũng được, về nhà cứ bảo đi học là xong!”.
Khi được hỏi về kết quả học tập cuối năm, T. thản nhiên: “Chắc chắn ở lại lớp, có học hành gì đâu mà lên lớp”. Cậu bé ngồi gần đó nói thêm: “Con hay cúp học đi chơi game nên giờ cũng chán học lắm, lên lớp bị thầy cô mắng hoài nên càng chán hơn”.
Anh chủ tiệm lắc đầu: “Tụi này thà bỏ học chứ không bỏ game đâu. Tôi quen mặt hết, có đứa còn ăn ngủ tại chỗ để “cày” game”.
img
Nhiều học sinh THCS “nướng” hết thời gian vào tiệm game trên đường Nguyễn Văn Bứa
(huyện Hóc Môn - TPHCM). Ảnh: Thu Hồng
Gần đây, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận 2) xôn xao việc Đ.T.X, một học sinh lớp 6, bị viêm kết mạc do chơi game quá nhiều. Khi gia đình chưa nối mạng internet, X. đã có mặt ở tiệm net từ sáng tới tối mê mải chơi game.
Vốn biếng ăn từ nhỏ, lại nghỉ ngơi không đầy đủ nên X. rất xanh xao, tiều tụy. Thấy sức khỏe của em ngày càng giảm sút, gia đình quyết định nối mạng để mong dễ kiểm soát thời gian chơi game của X.
Thế nhưng, do công việc bận rộn, gia đình lại thả lỏng và X. một lần nữa dính chặt vào game. Đến một ngày, mắt X. mờ dần, sưng đỏ, nước mắt cứ chảy dài…, người nhà mới vội đưa em đi khám. Bác sĩ cho biết X. bị viêm kết mạc.
Đó cũng là nguyên nhân khiến học lực của em tuột dốc không phanh. Một số giáo viên bộ môn cho biết cứ vào giờ học là X. lại gục mặt xuống bàn hoặc than đau mắt nên không thể tiếp thu bài. Trong kỳ thi vừa qua, nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy cô và bạn bè, X. mới được lên lớp.
Cũng vì nghiện game, H.D.K (học sinh lớp 8A2, cùng trường với X.) đã không vượt qua nổi kỳ thi học kỳ 2. Theo lời một giám thị tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, K. thường xuyên trốn học để la cà các tiệm game.
Khi nhà trường thông báo với gia đình về tình hình học tập của K., em đi học trở lại nhưng chỉ được vài buổi rồi lại… trốn tiếp.

Tương lai mịt mờ

Thầy Trần Văn Điệp, Hiệu trưởng Trường THCS Giồng Ông Tố (quận 2), buồn bã kể lại trường hợp của P.P.Th, một học sinh đã nhiều lần bỏ nhà đi bụi để chơi game cho thỏa thích.
Năm học trước (lớp 7), Th. đã bỏ nhà đi hơn 20 ngày và được tìm thấy trong một tiệm net với gương mặt hốc hác vì chơi game liên tục nhiều ngày đêm, chỉ ăn mì gói.
Được sự động viên của bà ngoại và thầy cô, Th. đã quay lại trường nhưng kiến thức bị hổng nên lưu ban. Năm sau, Th. tái nghiện game.
Chị Phan Thị Mai (ngụ ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) than thở với chúng tôi: “Tôi không bao giờ muốn nghe ai nói đến tiếng game, bởi nó phá hoại tương lai của con tôi khi thằng bé mới học lớp 7. Con tôi mê game đến độ phải nghỉ học”.
Chị Nguyễn Thị Riếp, cô ruột em N.H.L (học sinh lớp 7 Trường THCS Xuân Thới Thượng), cho biết L. phải nghỉ học dở dang vì sức học sa sút do nghiện game nặng, gia đình sợ quá phải đưa em về quê dạy dỗ.

Và còn rất nhiều câu chuyện tương tự được cô Bùi Thị Thanh Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Thới Thượng, kể ra, nghe rất đau lòng!

Cô đơn trong thế giới thật

Khi đề cập 2 trường hợp nghiện game online ở trường mình, cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, nhân viên phòng y tế kiêm giám thị của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, day dứt: “Mỗi em đều có hoàn cảnh riêng và đều chưa được gia đình quan tâm đúng mức. Em Đ.T.X sống với ông bà ngoại; còn H.D.K thì nhà đông anh em, ba K. lại không có nghề nghiệp ổn định, mẹ em bận buôn bán nên không còn thời gian quan tâm đến em”.

Chị Phan Thị Mai cũng tâm sự: “Cứ tưởng con đi học bình thường, vợ chồng tôi mải mê lo làm ăn, đến khi nhận thông báo của nhà trường thì đã quá muộn”.

Cô Bùi Thị Thanh Thúy cho biết: Để giám sát chặt chẽ việc học, việc chơi của học sinh, ngay đầu năm, nhà trường đã xin số điện thoại của phụ huynh để tiện liên lạc.
Thầy Nguyễn Minh Triết, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Hóc Môn), đề xuất: Việc quản lý các tiệm internet - game cần chặt chẽ hơn, chính quyền nên vận động chủ tiệm chung tay góp sức bằng cách hạn chế cho những em mặc đồng phục học sinh vào chơi game. Tại trường cũng có Phòng Tư vấn học đường thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh, giúp các em giải quyết những vấn đề vướng mắc.
Theo cô Nguyễn Thị Lịch, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hồng Đào (huyện Hóc Môn), chính quyền cần kiên quyết không cấp phép cho các tiệm internet cách trường 200 m nhằm hạn chế học sinh chơi game.
Thầy Trần Văn Điệp cho rằng việc thiếu sân chơi cho lớp trẻ cũng góp phần đẩy các em đến tiệm internet. “Ban đầu, game online chỉ là hình thức giải trí đơn thuần nhưng một khi đã say mê, các em có thể bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ cả học hành, chơi và đánh mất nhiều thứ quý giá đang có trong thế giới thật” - thầy Điệp chua chát.
Vấn nạn học đường

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Trường THCS Giồng Ông Tố thực hiện trên 720 học sinh, hơn 90% em thường xuyên chơi game online, thời gian khoảng 2 - 3 giờ mỗi ngày. Nếu sắp xếp thời gian học tập, nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý thì game cũng là một trong những trò giải trí được nhiều học sinh lựa chọn nhưng một số em chơi game bất kể giờ giấc, phải bỏ học… Thực tế này khiến game trở thành một vấn nạn học đường.

Kỳ tới: Sống thoáng và trượt dốc
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo