Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH đang gấp rút xây dựng đề án “Ngăn ngừa tình trạng người lao động cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc”. Việc xây dựng đề án xuất phát từ tình hình lao động Việt Nam bỏ trốn và tùy tiện đòi chuyển chủ gia tăng trong thời gian gần đây.
“Đứng núi này trông núi nọ”
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Phát triển nguồn nhân lực (Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc), có khoảng 20% lao động nhập cư đang sống bất hợp pháp tại nước này; riêng Việt Nam có khoảng 15.000 lao động, đứng đầu các nước. Đáng lo ngại là gần đây gia tăng tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc, tập trung vào những đối tượng gian lận trong khám sức khỏe ở trong nước hoặc đăng ký dự tuyển vào ngành nông nghiệp và ngư nghiệp. Theo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, dự kiến trong năm 2011, khoảng 8.000 lao động Việt Nam đi theo chương trình EPS sẽ hết hợp đồng và khó có thể nói bao nhiêu người sẽ tuân thủ về nước theo quy định.
Bên cạnh đó, báo cáo của Trung tâm Lao động ngoài nước cũng cho biết tỉ lệ lao động Việt Nam xin chuyển đổi nơi làm việc hiện cao nhất trong 15 quốc gia phái cử lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, với khoảng 22.455 người/năm; cao hơn nhiều so với Indonesia, Philippines, Thái Lan... Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Anh Thắng, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, xác nhận phần đông lao động đòi chuyển chủ là do “đứng núi này trông núi nọ”, chê lương thấp, ít việc, nhất là đối với lao động làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp.
Có thể bị dừng hợp tác lao động
Theo kế hoạch, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc cho phép Việt Nam tổ chức đợt kiểm tra tiếng Hàn dành cho người lao động có nhu cầu dự tuyển sang Hàn Quốc vào ngày 7-8 tới. Chỉ tiêu hồ sơ dự tuyển được chọn từ đợt kiểm tra này tương ứng với 16.500 người. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, nếu tình hình lao động bỏ trốn, tùy tiện đòi chuyển chủ không được cải thiện, có thể cơ quan thẩm quyền Hàn Quốc sẽ cân nhắc đến việc hoãn tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu hồ sơ dự tuyển, giảm tiếp nhận lao động Việt Nam. Mức độ nghiêm trọng có thể bị dừng hợp tác lao động.
Đó cũng là lý do mà Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước gấp rút soạn thảo để sớm triển khai đề án trên. Theo ông Vũ Minh Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, chủ trương chung là lồng ghép, triển khai song song các biện pháp nâng cao vai trò quản lý Nhà nước; cải tiến quy trình tuyển chọn lao động; gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, của các gia đình và người lao động; tổ chức giám sát chặt chẽ khâu kiểm tra sức khỏe, loại bỏ các trường hợp gian lận hồ sơ… Phía Hàn Quốc đang trông chờ nỗ lực từ cơ quan chức năng Việt Nam trong việc khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn và đòi chuyển chủ.
Cho tái nhập cảnh sau khi hết hạn hợp đồng Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Hàn Quốc áp dụng chính sách cho phép lao động nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng 3 năm, kể cả hợp đồng gia hạn, được tái nhập cảnh Hàn Quốc. Điều kiện là phải về nước trong thời gian 6 tháng sau đó và phải đăng ký hồ sơ dự kiểm tra, hồ sơ dự tuyển như những lao động bình thường khác.
Bình luận (0)