Hầu hết những học viên và bị cáo trẻ chúng tôi gặp, trò chuyện đều có chung lai lịch: Biếng học, mê chơi, đua đòi, bỏ nhà đi bụi rồi trộm cắp…
Sớm sa ngã
Tại Trường Giáo dưỡng số 3 thuộc Bộ Công an (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang - TP Đà Nẵng), Nguyễn Thị H. (17 tuổi, ngụ quận Hải Châu - Đà Nẵng) kể: Vào năm lớp 8, H. được nhóm bạn rủ đi vũ trường.
Ban đầu, H. chỉ ngồi nhìn bạn bè ăn chơi; dần dần, H. bị cuốn vào các màn nhảy nhót, uống rượu mạnh và cả “cắn” thuốc. Để có tiền đua đòi theo chúng bạn, H. nhiều lần trộm cắp tài sản, đem bán và bị bắt rồi đưa lên trường giáo dưỡng.
Cùng cảnh ngộ với H. là Nguyễn Thu N. Trước khi vào đây, trong một lần dự sinh nhật, N. bị bạn bè thách: “Mày chỉ là con mọt sách chứ chẳng biết mùi đời là gì cả”.
Tự ái, N. uống bia ào ạt. Trong cơn lâng lâng, N. bị bạn bè dụ đến vũ trường nhảy, lắc. Sau nhiều lần như vậy, N. bị nghiện ma túy lúc nào chẳng hay.
Người thân đưa N. về nhà ngoại ở một vùng quê tỉnh Quảng Nam để cách ly với bạn bè nhưng vì không vượt qua được những cơn nghiện, N. lại đi trộm vặt và bị bắt, đưa vào trường giáo dưỡng.
Còn Q., quê huyện Cam Lộ - Quảng Trị, “dữ dằn” hơn. Học đến lớp 8, Q. mê chơi, bị cha mẹ mắng, liền bỏ nhà đi lang thang. Q. nhanh chóng kết bạn với những trẻ đi bụi khác và lập hội, đặt tên là Sóng Thần.
“Ban ngày, chúng em chơi game, uống rượu, đánh billiards; tối đến, đi trấn cướp, lúc thì của các cặp tình nhân, lúc thì của những người khá giả. Chẳng cần che mặt hay hóa trang gì, chúng em mang dao gí vào người họ, bảo đưa tiền” - Q. kể. Sau phi vụ nhập nha lấy 80 triệu đồng của gia đình nọ, nhóm Sóng Thần bị công an tóm.
Vấy bẩn tuổi học trò
Mới đây, TAND TPHCM đưa ra xét xử vụ án Đ.N.T.T (SN 1995) can tội cướp tài sản. Tại tòa, nhìn T. với gương mặt thanh tú, đôi mắt đen láy cùng mái tóc màu hạt dẻ, những người dự khán đều cảm thấy tiếc nuối cho em.
T. là học sinh lớp 9, sớm đem lòng yêu C., lớn hơn em 2 tuổi. Mỗi buổi tan học, C. đều đến trường đón T. rồi cả hai đi uống cà phê, ăn uống, thỉnh thoảng rủ thêm bạn bè cùng đi mua sắm.
Theo lời khai của T. tại tòa, trong những lần đó, thấy bạn bè là con nhà giàu mua sắm nhiều quần áo đắt tiền, điện thoại di động xịn…, T. thấy chạnh lòng.
Các học viên trẻ sinh hoạt tại Trường Giáo dưỡng số 3 thuộc Bộ Công an
(xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang - TP Đà Nẵng). Ảnh: Quỳnh Châu
Ngặt một nỗi, nhà nghèo quá, T. đành rủ bạn trai… đi cướp để có tiền mua quần áo đẹp. Chập choạng tối, T. qua nhà C., cả hai chạy xe máy lòng vòng trên phố tìm “con mồi”.
Phát hiện một người đi đường đang dừng xe rút tiền mua hàng, C. điều khiển xe áp sát để T. giật ví rồi rồ ga bỏ chạy. Người bị cướp liền đuổi theo, 2 xe va nhau khiến biển số xe của T. rớt lại.
Qua truy xét, T. bị công an bắt. Tòa xử sơ thẩm rồi phúc thẩm, phạt T. 9 tháng tù về tội cướp giật tài sản, cho hưởng án treo. Quá xấu hổ, T. bỏ học, đi làm thuê cho một xưởng sản xuất gần nhà.
Hôm xử phúc thẩm, T. khóc: “Thời gian qua, bị cáo rất mệt mỏi và sợ bị tù. Bị cáo rất buồn vì đã tự hại đời mình, làm vấy bẩn tuổi học trò, làm ảnh hưởng đến gia đình”.
Được hưởng án treo, dù con đường tương lai còn rất dài ở phía trước nhưng với T., việc học tập, vào đời và lập nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn bởi phải mất nhiều thời gian nữa em mới xóa được mặc cảm tù tội.
Ám ảnh lỗi lầm
Mới học lớp 8, Đ.H.V cũng sớm dính vào tù tội. Hôm ra tòa, vừa được dẫn xuống từ chiếc xe tù, V. dáo dát đưa mắt tìm kiếm cha mẹ.
Đứng cạnh chúng tôi, mẹ V. mắt ngấn nước, tấm tức: “Thằng V. hôm nay xanh quá, chắc nó lo sợ bị phạt tù nặng. Bữa trước, tôi lên trại thăm, nó khóc nhiều lắm”.
Ngồi trên hàng ghế dành cho bị cáo, V. cố ngoái xuống bên dưới để tìm một chỗ dựa tinh thần trước khi HĐXX bắt đầu làm việc.
Phòng xử hôm đó rất đông người dự khán, phần lớn đều là bạn học của V. Trước vành móng ngựa, V. run người, đứng không vững khi nghe vị chủ tọa đọc lại toàn bộ hành vi phạm tội…
Theo cáo trạng, V. là một học sinh lớp 8 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Gò Vấp (TPHCM). Do gia đình quá khó khăn, ban ngày V. giúp cha làm những công việc vặt ở công trình xây dựng như bưng bê xi măng, câu dây điện.
V. dành hết tiền công từ những việc đó để phụ mẹ lo học phí cho các em. Cuối mỗi chiều, khi xong việc, cha V. cọc cạch chở con đến trường học chữ.
Một buổi học nọ, trong lúc cả lớp đang chăm chú nghe giảng thì C., một học sinh trong lớp của V., lại chọc ghẹo các bạn nữ.
Trong giờ ra chơi, C. thấy một nam sinh trong lớp để mái tóc bờm ngựa giống mình nên sấn đến gây chuyện rồi bất ngờ đấm vào mặt nam sinh đó và cảnh cáo: “Mày đừng láo nghe mày”.
Thấy bạn bị đánh, V. chạy đến can ngăn thì bị C. rút dao đâm gây thương tích. V. chạy đến chỗ ngồi lấy dao chạy ra ngoài lớp học, C. đuổi theo V. và bị V. đâm chết tại chỗ.
Trong lúc HĐXX nghị án, V. khóc sướt mướt, kể với chúng tôi: “Con dao em đâm bạn C. là con dao em thường dùng để chuốt dây điện tại công trình. Hôm đó cha có việc nên gửi túi đồ nghề, em mang luôn vào lớp học. Do bị C. đâm trước nên em hoảng loạn. Bị C. cầm dao gí sát sau lưng, em đành phải đâm lại để phòng ngự”.
Xét C. có phần lỗi đã tấn công V. trước, ngọn nguồn dẫn đến án mạng cũng do C. mà nên, HĐXX đã tuyên phạt V. 1 năm tù về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Bản án được tuyên, V. khẽ khàng nói lời cảm ơn HĐXX. Trừ thời gian tạm giam, vài tháng nữa V. sẽ được mãn hạn tù, trở về đoàn tụ với gia đình nhưng lỗi lầm này sẽ ám ảnh V. và gia đình mãi.
Bình luận (0)