Vẫn sai lệch lịch sử
Ngày 20 và 21-2-2011, Hội đồng Duyệt phim quốc gia đã tiến hành duyệt lần thứ 3 bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Sau đó, ngày 15-3-2011, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã có công văn gửi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) nêu rõ: “Kịch bản phim đã thêm lời dẫn chuyện vào những chỗ cần thiết để làm rõ thông tin muốn chuyển tải cho người xem biết và tự hào về một giai đoạn lịch sử của nước ta, các diễn viên Việt Nam được chọn rất hợp vai, diễn xuất tốt, âm nhạc phù hợp với Việt Nam.
Tiến Lộc vai vua Lý Công Uẩn trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long (ảnh do đoàn phim cung cấp)
Tuy nhiên, GS Lê Văn Lan, người có vai trò “tu chỉnh kịch bản” ban đầu của phim và là nhà chuyên môn được mời ngồi ghế hội đồng thẩm định bộ phim, lại cho rằng: “Không nên chiếu bộ phim này”. Và ông, với tư cách là một nhà nghiên cứu sử học, đã hết sức băn khoăn thậm chí phản đối về cách đưa lịch sử lên phim trong Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Theo GS Lan, những gì ông đề nghị tu chỉnh trong kịch bản ban đầu, nhà sản xuất bộ phim không hề tiếp thu khiến cho bộ phim làm ra bị sai lệch nghiêm trọng về lịch sử và các nhân vật trong lịch sử.
Nhiều chi tiết phi lý
Trong lịch sử, búi tóc củ hành có thể coi là một bản sắc văn hóa đậm nét của người Việt Nam. Khi công cuộc “Cần vương” bất thành, cho đến cuối đời, sau 55 năm bị thực dân Pháp lưu đày tại Algeria, vua Hàm Nghi vẫn luôn để búi tóc củ hành cùng khăn vấn, áo the như một tuyên ngôn giữ gìn bản sắc dân tộc, khẳng định tính độc lập của đất nước. Trong khi đó, các nhân vật nam trong Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long đều có búi tóc vấn cao trên đỉnh đầu. Theo nhận xét của không ít khán giả từng được xem trailer bộ phim, búi tóc trên đỉnh đầu đặc Hán của Lý Thái Tổ trong phim chính là một sự sai lệch nghiêm trọng về văn hóa.
Về trang phục của vua, việc các nhà làm phim đội cho vua Lý Công Uẩn chiếc mũ “nhái” từ mũ “Bình thiên” của các hoàng đế Trung Quốc có từ Tần Thủy Hoàng cũng là điều khiến khán giả không chấp nhận được. Người Việt, với búi tóc củ hành sau gáy, không thể đội mũ “Bình thiên” vì chiếc mũ này được tạo ra để chụp vào búi tóc trên đỉnh đầu của người Hán, thế nhưng vua Lý Thái Tổ trong phim vẫn đội chiếc mũ y chang của hoàng đế Trung Quốc!
Mọi thứ đều của Trung Quốc
Kịch bản được viết bởi một “tay ngang”- ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Trường Thành - đơn vị đầu tư kinh phí sản xuất bộ phim này - sau đó được nhà biên kịch Trung Quốc Kha Chung Hòa - tác giả kịch bản của những bộ phim nổi tiếng, như Võ Tắc Thiên, Vương triều Ung Chính - “chuốt lại”. Bộ phim được thực hiện với ê kíp làm phim (phía nước ngoài) là những gương mặt dày dạn kinh nghiệm phim trường ở Trung Quốc: Đạo diễn Cận Đức Mậu - đạo diễn phim Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên, Đại Tống khai quốc và đạo diễn Triệu Lôi; các chuyên gia hóa trang cũng của Trung Quốc; thuê trường quay Hoành Điếm Trung Quốc; thuê đạo cụ phục trang Trung Quốc và đặt Trung Quốc may gần 700 bộ trang phục cổ; thuê diễn viên đóng thế của Trung Quốc và hàng trăm diễn viên quần chúng người Trung Quốc... |
Chỉnh sửa nhiều lần Theo kế hoạch, bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long (do đạo diễn Trung Quốc Cận Đức Mậu thực hiện, Công ty Cổ phần Trường Thành sản xuất) sẽ là bộ phim phát sóng chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tuy nhiên ngay khi những hình ảnh giới thiệu đầu tiên của phim xuất hiện trên internet, đã xuất hiện những ý kiến phê phán gay gắt nội dung bộ phim này cũng như kế hoạch phát sóng nó trên đài truyền hình quốc gia. (Báo Người Lao Động số ra ngày 10-9-2010 đã đăng bài “Phim Việt sao lai Trung Hoa?”).
Trước những phản ứng bất bình của công chúng, bộ phim đã được Đài Truyền hình Việt Nam trưng cầu giám định Hội đồng Duyệt phim Quốc gia, thuộc Bộ VH-TT-DL. Sau khi xem phim, Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đã yêu cầu nhà sản xuất chỉnh sửa và duyệt đi duyệt lại nhiều lần nhưng vẫn không đạt yêu cầu nên phim chưa thể phát sóng và phát hành ra nước ngoài, theo dự kiến của nhà sản xuất. |
Bình luận (0)