“Thời gian qua, không riêng Công ty MTEX mà ở nhiều doanh nghiệp (DN) khác, tình trạng mất lao động trở nên phổ biến. Việc lao động nghỉ việc giữa chừng luôn là vấn đề làm đau đầu các DN hiện nay”. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng Phòng Quản lý Công ty MTEX (KCX Tân Thuận - TPHCM), than phiền như vậy tại buổi hội thảo về nguồn nhân lực tổ chức mới đây.
Mất từ 30%-50% lao động trong năm
Theo ghi nhận từ Công ty MTEX, mỗi năm công ty mất khoảng 30% trong tổng số lao động đang làm việc. Lao động bỏ việc khiến cho công ty bị nhiều áp lực vì phải mất sức tuyển dụng lao động mới để bù đắp. Riêng từ đầu năm đến nay, do công ty không mở rộng sản xuất nên áp lực tuyển nhân lực mới có giảm đôi chút. Việc tuyển dụng lao động để bù vào lượng lao động nghỉ việc là vấn đề nan giải cho DN vì rất khó tìm được nguồn tuyển dụng.
Do nhiều nguyên nhân
Báo cáo của Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho thấy từ đầu năm đến nay, các DN trong KCX-KCN mất hơn 30.000 lao động. Chủ yếu là lao động chuyển từ công ty này sang công ty khác hay trở về quê. Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP, trước đây, Ban Quản lý về các tỉnh Bình Phước, Bến Tre, Bình Dương để tìm nguồn lao động cung ứng cho các DN nhưng hiện nay các tỉnh này cũng đang thiếu hụt lao động trầm trọng.
Ngành may biến động nhân lực nhiều nhất. Ảnh: VĨNH TÙNG
Hậu quả khó lường
Để có lao động đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, nhiều DN phải hạ chuẩn tuyển dụng: Nếu như trước đây chỉ tuyển lao động có trình độ THPT thì nay phải hạ xuống trình độ THCS; thậm chí nhận cả lao động tốt nghiệp tiểu học.
Tuy nhiên, theo các DN, việc làm này là “lợi bất cập hại” bởi với việc hạ chuẩn, DN càng gặp khó khăn hơn vì chất lượng nguồn nhân lực giảm (do người lao động thiếu trình độ, kiến thức, tác phong công nghiệp...). Bên cạnh đó, việc tuyển dụng lao động không có tay nghề, thiếu kỹ năng khiến cho người lao động cảm thấy chán nản vì năng suất làm việc thấp, mức lương không cao. Hậu quả là người lao động lại bỏ việc và DN lại mất lao động.
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Nobland Việt Nam, cho rằng với những lao động thường xuyên “nhảy” việc, nhà tuyển dụng không thể huấn luyện, đào tạo vì không có gì bảo đảm họ làm việc lâu dài cho công ty. Lời khuyên tốt nhất vẫn là nên cố gắng ổn định chỗ làm nếu nó phù hợp với năng lực của mình, đừng nên đánh mất cơ hội thăng tiến vì thiếu sự ổn định trong công việc.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ và tạo động lực cho người lao động phấn đấu rèn luyện tay nghề chuyên môn, kỹ năng; đồng thời xây dựng văn hóa doanh nghiệp để gắn kết người lao động với nhau và với doanh nghiệp. Có như thế người lao động mới trụ lại, giúp doanh nghiệp ổn định nhân lực để phát triển. Bà Đinh Thị Mỹ Quỳnh (Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TPHCM) |
Bình luận (0)