Cho rằng giá điện ở Việt Nam hiện vẫn còn quá thấp, mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục xin tăng giá điện cùng với đề xuất đưa khoản lỗ hàng ngàn tỉ đồng của năm 2010 vào cấu thành giá mới để bù lỗ. Trong khi ngành điện đòi tăng giá, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại đang làm ngơ trước giá dầu thế giới đang giảm mạnh.
Giữ giá cao để chống buôn lậu(?!)
Về đề xuất tăng giá điện, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho rằng EVN đang gặp khó khăn rất lớn về vốn cho các công trình thủy điện.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương cần ban hành sớm thông tư hướng dẫn Quyết định 24 về việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, nếu không trong thời gian tới, EVN sẽ gặp khó khăn (?!).
Theo bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), thời gian vừa qua, Lào và Campuchia đã 2 lần giảm giá xăng, dầu nên hiện tại, giá bán mặt hàng này tại khu vực giáp biên với Việt Nam gần như ngang bằng nhau.
Tuy nhiên, kiến nghị với Bộ Công Thương, đại diện Petrolimex cho rằng cần có biện pháp ngăn chặn xăng dầu thẩm lậu vào Việt Nam chứ không đề cập phương án giảm giá bán lẻ xăng dầu cho bằng với các nước để hạn chế tình trạng nhập lậu mặt hàng này.
Tận dụng quy định mới, ngành điện liên tục đòi tăng giá.
Trong ảnh: Nhân viên điện lực TPHCM ghi chỉ số điện. Ảnh: HỒNG THÚY
Đại diện Petrolimex biện minh: Với tình hình giá cả hiện nay, chỉ mặt hàng dầu diesel mới có lãi, vì thế các doanh nghiệp đầu mối đang cố gắng kiếm lãi để bù vào khoản lỗ trước đây.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Việt Nam còn phải chờ đợi cho đến khi Petrolimex thu lãi đủ hòa vốn và giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm thì các doanh nghiệp trong nước mới tính đến việc giảm giá bán lẻ trong nước.
Trong bối cảnh này, đại diện Petrolimex tiếp tục đề nghị Nhà nước chưa nên tăng thuế và nên sử dụng quỹ bình ổn giá để điều tiết thay vì áp thuế.
Khó chấp nhận đưa lỗ vào giá bán
Trước hàng loạt đề xuất về giá của 2 ngành điện và xăng dầu có thể tác động mạnh tới đời sống của người dân, một quan chức Bộ Tài chính cho biết hiện chưa có bất kỳ phương án điều chỉnh nào liên quan đến thuế hay giá của 2 ngành này được đưa ra.
Trong khi đó, phân tích lý do “ông lớn” EVN đề xuất tăng giá, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Xã hội Hà Nội) cho rằng sau khi Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc cho phép điều chỉnh giá điện theo cơ chế giá thị trường với thời hạn điều chỉnh tối thiểu 3 tháng/lần, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào thời hạn đó để đề nghị điều chỉnh tăng giá, bởi nếu không tăng bây giờ thì 3 tháng tới sẽ “nằm im” và phải đợi đến tận tháng 9 mới được tăng.
Cũng theo ông Phong, không có lý do gì để chấp nhận cho EVN đưa khoản lỗ năm 2010 vào cấu thành giá điện mới để bù lỗ. Nếu muốn như vậy, EVN phải công khai hóa giá thành điện hiện nay được bán như thế nào để xem tính hợp lý đến đâu. Hiện Nhà nước vẫn chấp nhận giá của doanh nghiệp đưa ra và coi đó là giá nền.
Vì thế, nếu tăng giá điện phải căn cứ vào cơ cấu phát điện và cơ cấu đầu vào của EVN đã điều chỉnh theo hướng tăng chưa; nếu chưa thì việc đòi tăng giá của EVN là không hợp lý.
Nhưng thực tế, thời gian gần đây có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc phát điện như giá xăng dầu khá ổn định; nguồn nước cho thủy điện dồi dào hơn năm trước... Như vậy, yếu tố liên quan đến giá thành của việc phát điện rõ ràng không bị ảnh hưởng.
Thạc sĩ Bùi Văn Trường, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng giá bán không thể hình thành từ khoản lỗ của năm cũ.
Giả sử khoản lỗ khoảng 8.000 tỉ đồng của EVN tính hết vào giá bán điện năm 2011 thì đến năm 2012, khi tính giá, EVN có phải trừ khoản lỗ đã tính trong giá bán cũ? Nếu EVN lỗ thật, Nhà nước nên chấp nhận bù lỗ một thời gian nữa, còn hơn phải vội vã định giá từ chi phí “ảo”, lãng phí. Nền kinh tế có thể sẽ phải trả giá cho sự vội vã này.
Đi ngược nỗ lực kiềm chế lạm phát
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh lạm phát còn cao thì ngành điện không nên tăng giá bán.
Cùng đó, các cơ quan giám sát cũng nên tăng cường chức năng giám sát để bảo đảm những chi phí mà ngành điện sau này nếu trình trong các phương án điều chỉnh tăng 5% hay trên/dưới 5% cũng phải bảo đảm tính khách quan.
Lạm phát mới bắt đầu dịu đi nay nếu cho tăng giá điện và giá xăng dầu có thể giảm nhưng không chịu giảm thì khác nào dội nước lạnh vào nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã được Chính phủ thực hiện gần nửa năm qua.
Điện lực Hiệp Phước lại đòi tăng giá!
Ngày 7-6, Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước (HPPC) đã gửi đến khách hàng là các doanh nghiệp trong KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè - TPHCM) bản thông báo mới về “phụ thu phí nhiên liệu”.
Theo đó, HPPC đòi khách hàng phải trả thêm một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thành phát điện bán cho EVN (hơn 21 cent/KWh) và giá bán điện cho các doanh nghiệp theo quy định (khoảng 5,5 cent/KWh).
Như vậy, ít nhất đã không dưới 3 lần HPPC đơn phương đưa ra các quyết định đòi phụ thu phí nhiên liệu mặc dù chưa được sự cho phép của Chính phủ và từng gặp phải sự phản ứng rất quyết liệt từ nhiều doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động cùng ngày, đại diện một doanh nghiệp tại KCN Hiệp Phước cho rằng người ký văn bản lần này là ông Phạm Hồng Tiến - chỉ giữ chức trưởng phòng vận hành của HPPC, không thể đại diện cho doanh nghiệp để thông báo vấn đề nêu trên.
Q.Lâm |
Khâu trung gian lãi to
Thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho thấy từ đầu tháng 5-2011, giá xăng dầu thế giới đã bắt đầu giảm dần cho đến đầu tháng 6 này. Theo đó, mặt hàng xăng hiện còn 117 USD/thùng (giảm 18 USD/thùng), dầu 128 USD/thùng (giảm 11 USD/thùng).
Tuy nhiên, giá bán lẻ trên thị trường vẫn chưa chịu giảm theo. Theo tính toán của giới kinh doanh, với giá bán lẻ hiện nay, họ lãi từ 100 - 200 đồng/lít xăng, lãi từ 700 - 800 đồng/lít dầu diesel.
Bà Đàm Thị Huyền cũng thừa nhận dầu diesel đang lãi lớn nên nhiều doanh nghiệp đua nhau nhập hàng về bán, làm giảm mạnh lượng bán ra của Petrolimex.
Trong đó có những doanh nghiệp trong nhiều tháng qua không nhập hàng vì sợ lỗ, nay lại nhập với số lượng lớn, nâng mức chiết khấu cho các đại lý lên rất cao. Hiện nay, mặt hàng dầu có mức chiết khấu lên đến 800 - 900 đồng/lít, thậm chí 1.000 đồng/lít nếu mua với số lượng lớn.
Chiết khấu dành cho mặt hàng xăng cũng đã tăng lên 600 - 700 đồng/lít. Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối lớn cho biết để bán được hàng, họ phải cố chạy theo mức chiết khấu cao “chót vót” này nên cũng chẳng còn lãi bao nhiêu.
Các đầu mối còn cho biết khi giá thế giới tăng cao, các đại lý đòi lấy hàng liên tục, nay giá thế giới giảm, họ chỉ lấy hàng khi bồn chứa gần cạn vì họ lo giá bán lẻ sắp tới sẽ giảm.
Khác với Petrolimex, một số doanh nghiệp đầu mối cho rằng lợi nhuận từ xăng dầu hiện nay chỉ rơi vào khâu trung gian, đúng ra nên để cho người tiêu dùng được hưởng bằng cách giảm giá bán lẻ.
Tuy nhiên, giá bán lẻ lại do Nhà nước quy định nên họ cũng không thể tự giảm giá. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho rằng thời điểm này Nhà nước nên tăng thuế nhập khẩu dầu.
N.Hải |
Bình luận (0)