xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhọc nhằn đời ngư dân

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

“Sinh nghề, tử nghiệp” là câu cửa miệng của ngư dân. Sống đời lênh đênh trên sóng nước, ngư dân hiếm có những phút giây thanh thản, chỉ khi tàu bình yên cập bến đầy cá tôm mới mang lại cho họ niềm vui

Dọc bờ biển Đà Nẵng có những quán “cà phê thuyền trưởng”, “cà phê ngư dân” mà vào đó, người ta có thể nghe đủ chuyện về biển khơi. Từ những buổi cà phê sáng bên cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà - Đà Nẵng, tôi được nghe nhiều câu chuyện của thuyền trưởng và ngư dân, mới hiểu phần nào những nỗi nhọc nhằn của đời đi biển. Cha truyền con nối, bao đời nay họ bám biển chỉ với nguyện ước: “Cầu trời cho sóng yên, biển lặng”.

Cận kề cái chết

Ra khơi, dù đã mang theo các thiết bị cần thiết để cảnh báo thời tiết xấu nhưng ngư dân vẫn lo âu. “Năm 2008, bão Chanchu đã cướp đi sinh mạng của mấy chục người ở làng chài này đó thôi! Thời tiết mà, ai biết trước được” - ngư dân Nguyễn Xuân Thép thổ lộ. Khi đã cách bờ cả trăm hải lý, nhiều ngư dân dạn dày kinh nghiệm mới đoán non, đoán già được thời tiết, dựa vào các thiết bị định vị mà cho tàu quay về khi có bão. Thế nhưng, những cơn bão bất ngờ luôn là nỗi ám ảnh thường trực của ngư dân.

Có những hôm trời đổ mù sương, tàu không xác định được phương hướng. Để khỏi đâm vào đảo, các tàu thả neo, đợi tan sương mới bắt đầu cuộc hải trình. “Đời đi biển là đời sương gió mà” - ngư dân Trần Văn Bảy nói.
Những câu chuyện liên tiếp về các sự cố giữa biển khơi làm cho người nghe phải chạnh lòng thay cho cuộc đời ngư dân. Trước một chuyến đi xa, những người đi biển thường có một đêm không ngủ. Nỗi lo thời tiết cứ thường trực trong đầu. Rồi họ khấn vái, cầu trời phù hộ cho sóng yên, biển lặng trước khi tàu rời bến. Người đi biển thường không bao giờ quên nghi thức này trước lúc ra khơi.

img

Nặng tình với biển, ngư dân vẫn quyết ra khơi dù vất vả, khó khăn
Vậy mà vẫn có lúc, họ vẫn không thoát khỏi những cơn bão bất ngờ, cả tàu và phương tiện hành nghề phải bỏ lại biển cả, chỉ hy vọng người được cứu sống. Trong cơn bão số 3 năm 2010, làng cá Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà xôn xao bởi vụ đắm tàu của thuyền trưởng Trần Út. Cho đến bây giờ, ông Út vẫn chưa nguôi ám ảnh.
Khi nhận được tin bão, thuyền trưởng Út gấp gáp cho tàu quay về biển Đà Nẵng. Thế nhưng, khi tàu còn cách bờ khoảng 25 hải lý thì bị chết máy và trôi tự do. Ông Út gọi cấp cứu, tàu cứu hộ ra nhưng gặp sóng to không thể cập mạn, phải dùng dây buộc phao quăng về phía tàu để lai dắt về đất liền. Sóng to quá làm nước ngập hơn nửa tàu, dây kéo bị đứt, 10 ngư dân phải lênh đênh trên sóng biển. Khi biết tàu sẽ chìm, các ngư dân vội thả thúng chai, bỏ tàu nhảy xuống.

Hai ngư dân trẻ nhất là Trần Văn Sen (15 tuổi) và Nguyễn Thanh Toàn (18 tuổi) sợ đến phát khóc và thề sẽ bỏ biển nếu được cứu sống. Mọi người cố gắng trấn tĩnh và chỉ biết cầu nguyện... Sau 2 ngày lênh đênh trên biển với cái chết luôn cận kề, họ quyết định cho 3 ngư dân khỏe nhất chèo thúng chai vào bờ gọi người ứng cứu. Sau đó, một tàu cá đã phát hiện và ra cứu sống 10 ngư dân. Về đến đất liền, tất cả đều ngã quỵ nhưng vẫn gượng cười trước may mắn của mình.

Sau chuyến đi biển nhớ đời ấy, tuy giữ được mạng sống nhưng thuyền trưởng Út trở nên trắng tay. Hơn 20 năm đi biển, ông Út tích góp mua được chiếc tàu trị giá hơn 800 triệu đồng, giờ đã tiêu tan. Thuyền trưởng Út vẫn đang chờ vay vốn mua tàu để tiếp tục ra khơi. Ông khẳng định: “Nghề của mình, mình vẫn làm, không bao giờ bỏ được”. Với ông và những ngư dân nơi đây, mưu sinh trên biển vẫn là cái nghiệp, dẫu nhọc nhằn, thậm chí có khi phải đánh đổi cả tính mạng nhưng họ vẫn quyết tâm bám biển.

Cô đơn, thiếu thốn

Trên những chuyến đi biển dài ngày, có khi kéo dài đến 3-4 tháng, nhiều ngư dân phải chịu cảnh lẻ loi trên sóng nước. Câu mực là một trong những công việc vất vả nhất của ngư dân, khi tàu phải đi xa và ở lại hàng tháng trời. Tàu đến nơi, neo lại và mỗi người một thúng chai tản ra khắp hướng. Ban đêm là thời gian thuận lợi để ngư dân câu mực. Tuy nhiên, những lúc ấy, họ một mình phải đối mặt với màn đêm trên sóng nước, chỉ với ngọn đèn dầu le lói để phát tín hiệu.

Anh Lê Văn Sử, một ngư dân trẻ tuổi, tiết lộ: “Cô đơn lắm nên mỗi lần đi câu mực là tôi mang theo một chai rượu gạo nhỏ để thỉnh thoảng nhấp vài ngụm cho vui. Rượu lúc ấy là bạn”.

img

Tàu cập bến bình an, đầy ắp cá tôm là niềm mong mỏi của ngư dân

Không chỉ anh Sử mà nhiều ngư dân khác cũng đều làm như thế. Những lúc đợi mực cắn câu, họ chỉ biết uống rượu để giết thời gian nhưng cũng không được quá chén. Rồi có nhiều lúc, thúng chai gặp nạn. Những câu chuyện thương tâm về các ngư dân câu mực không phải là hiếm. Một mình chống chọi giữa biển cả, không ít người đã gặp phải cá ông hoặc sóng lớn, thúng chai rất dễ bị lật và ngư dân thì mất tích vĩnh viễn, không tìm được thi thể bởi biển cả mênh mông biết đâu mà tìm.

Không chỉ đối mặt với sự thất thường của thời tiết, nhiều lúc ngư dân cũng dở khóc dở cười với những chuyện không lường trước. Đã từng có nhiều người trong những chuyến đi xa bị bệnh hiểm nghèo bất ngờ. Sợ nhất vẫn là đau ruột thừa, chẳng thế nào về kịp đất liền khi khoảng thời gian về đến nhà đã mất 2-3 ngày. Thế nên lúc ấy, những ngư dân đi chung tàu thường ngậm ngùi nhìn bạn tàu đau đớn ra đi mà vô phương cứu chữa.

Anh Nguyễn Xuân Thép từng chứng kiến người bạn của mình trút hơi thở cuối cùng trên chiếc tàu khi mới vừa ra khơi chuẩn bị thả lưới. “Lúc ấy, mọi người gấp rút nhổ neo cho tàu quay trở về đất liền với hy vọng mong manh cứu sống được người bạn. Thế nhưng, đường quay về đất liền mất hơn 2 ngày mà đau ruột thừa thì phải được phẫu thuật gấp. Chúng tôi đành nuốt nước mắt nhìn người bạn đau đớn vật vã rồi mất đi” - anh Thép ngậm ngùi.

Những cái chết như thế đã khiến nhiều ngư dân có lúc phải chùn chân. Thế nhưng, vì gánh nặng cơm áo, vì nặng tình với biển cả, họ vẫn ra khơi mà chưa biết ngày mai sẽ ra sao.

Nỗi lo gặp tàu “lạ”

Mỗi chuyến đi biển gặp sự cố phải cho tàu quay lại bờ hoặc ra khơi mà thất thu, nhiều chủ tàu phải bù lỗ hàng chục đến cả trăm triệu đồng, chưa kể các ngư dân cũng trắng tay. Chủ tàu Lê Tám, ở làng cá Nại Hiên Đông, cho biết những chuyến đi biển gần đây, ông thường xuyên bị lỗ. “Không có kinh phí tu bổ tàu và đồ nghề nên năng suất đạt được thấp, lỗ hoài” - ông Tám giải thích.

Trong những câu chuyện của thuyền trưởng và ngư dân, tôi thường nghe họ nhắc đến nỗi lo gặp tàu “lạ”. Gần đây, việc tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm ngư trường Việt Nam càng khiến ngư dân bất an. Ngư dân Nguyễn Xuân Thép bày tỏ: “Mỗi lần gặp tàu Trung Quốc, ngư dân chúng tôi đều tìm cách né mặc dù vẫn đánh bắt trong vùng biển của mình.
Lý do đơn giản là vì tàu Trung Quốc thường to gấp 3 lần tàu của mình, chỉ cần chạm nhẹ là tàu mình bị thủng và chìm ngay. Tàu của họ mang danh đánh cá nhưng lại trang bị bình xịt hơi cay có cả vũ khí. Trong khi đó, tàu ngư dân mình chỉ có đồ nghề, không có gì để tự vệ. Thôi thì, tránh voi chẳng xấu mặt nào, khi gặp họ, mình chịu nhịn rút lui cho êm chuyện”.

Lo thì lo nhưng ngư dân vẫn cương quyết rằng không thể để mất vùng biển chủ quyền của mình một cách vô lý. Họ khẳng định vẫn bám biển để mưu sinh, bởi đó là nghề nghiệp bao đời nay. “Tàu Trung Quốc không biết điều, mình càng lùi, họ lại càng lấn tới” - ngư dân Trần Văn Bảy bức xúc.

Mỗi ngày không ra khơi, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân vẫn ngồi lại với nhau. Họ cùng bàn bạc những hướng đi mới để đỡ đi phần nào nỗi vất vả, nhọc nhằn. Khó khăn, gian nan làm người đi biển dạn dày lên. Ở những ngư dân mộc mạc đó, sự gắn bó với biển chính là sự quyết tâm cao để họ bám trụ với nghề. Rồi còn những nguyện ước về một vùng biển bình yên, để khi ra khơi, ngư dân được nhẹ lòng mà quên đi vất vả…

Uống cả nước có xác chuột

Lê Lương, ngư dân 21 tuổi, kể cho tôi nghe câu chuyện tiến thoái lưỡng nan của mình trên biển: “Hôm đó, trong bình nước trên tàu có xác một con chuột. Tụi tôi đắn đo mãi, không uống thì khát nước cũng chết, chi bằng uống vào, nếu có bệnh gì thì về đến nhà rồi chữa sau. Thế là tụi tôi nhắm mắt uống đại”.
Lương cho biết lúc tàu neo đậu ở bờ, chuột lẻn vào nấp ở các xó xỉnh rồi chui nhầm vào bình đựng nước uống. “Nước thường dự trữ chỉ đủ để uống trong thời gian trên biển. Khi chúng tôi phát hiện xác chuột thì số nước dự trữ chỉ còn chừng đó” - Lương giải thích.

Lương cho biết sau lần ấy, anh quyết định bỏ biển, không làm ngư dân nữa khi thấy nghề này quá nhọc nhằn. Thế nhưng, phần vì nhớ biển khơi, phần do không thể mưu sinh bằng nghề khác, Lương đã quay lại với biển.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo