Nhiều lúc tưởng chừng thị trường nhạc Việt đã thực sự sống dậy, khi qua các cuộc thi ca nhạc trên sóng truyền hình, số tin nhắn bình chọn yêu thích của khán giả lên đến hàng triệu lượt như Vietnam Idol 2010, Sao Mai - Điểm hẹn 2010. Giới chuyên môn phấn khởi trước làn sóng hâm mộ ào ạt của công chúng qua từng đêm thi.
Trên các diễn đàn và cả trên các phương tiện báo chí tràn ngập những bình luận, lời khen có cánh, cứ như thị trường ca nhạc Việt đang nắm trong tay một thế hệ ca sĩ vàng. Một số nhạc sĩ, nhà sản xuất hứa hẹn sẽ khai thác những giọng ca mới này trở thành thế hệ sao mới, ăn đứt các “sao” của thị trường ca nhạc hiện nay.
Tâm lý đám đông
Những cái tên Uyên Linh, Văn Mai Hương, Đinh Mạnh Ninh, Minh Chuyên… tưởng chừng dễ dàng bước lên vị trí ngôi sao của thị trường ca nhạc sau khi đoạt các giải thưởng cao của một số cuộc thi hoặc được tôn vinh “thần tượng” của khán giả. Rõ ràng, với lượng người hâm mộ như đã thấy, việc bước vào thị trường ca nhạc của các ca sĩ này sẽ gặp lợi thế. họ chỉ cần có thêm sự ái mộ của công chúng mà không phải nhọc công đi tìm kiếm như những ca sĩ khác.
Thế nhưng, tất cả đều không thực tế. Rời khỏi cuộc thi, các ca sĩ này lại trở về với cuộc sống đời thường, với công việc hằng ngày của mình, bắt đầu cho một hành trình đầy chông gai, thậm chí khốc liệt của nghề hát. Vầng hào quang mà công chúng và nhà tổ chức tạo nên cho họ cũng tan dần. Những kỳ vọng về thị trường ca nhạc Việt có thể thay đổi sau những cuộc thi này cũng phai nhạt dần.
Văn Mai Hương và Đinh Mạnh ninh - Hai giọng ca được giới chuyên môn kỳ vọng về
một thế hệ ca sĩ mới cho thị trường ca nhạc Việt. Ảnh: HUY TÂN-LÂM PHONG
Những lời hứa hẹn của các nhà sản xuất, ghi âm, nhạc sĩ nhận đỡ đầu đều chỉ là những tuyên bố cho “sướng miệng” trước ống kính truyền hình và trên báo chí. Ai là người nhảy vào đầu tư, kinh doanh họ cho đến nay vẫn không thấy. Ca sĩ nào cũng hứa hẹn ra album nhưng vẫn chưa thấy đâu. Câu trả lời chung của những người từng hứa là “Thấy vậy mà không phải vậy”.
Với một thị trường âm nhạc như hiện nay, khi sự thăng hạng của một giọng ca còn phụ thuộc phần nhiều vào sở thích của khán giả thay vì tài năng và cá tính của ca sĩ thì việc để khán giả chọn ra giọng ca mà họ yêu thích nhất từ những cuộc thi luôn có giá trị tức thì.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận định: “Tâm lý đám đông là hiện tượng dễ dàng nhận thấy ở khán giả khi tham gia bình chọn cho thí sinh trong một cuộc thi. Nhiều người cho rằng nói khác với số đông là sợ bị người khác cho mình lỗi thời nên cứ nói theo. Đó chính là lý do khi thấy một thí sinh được đông khán giả ủng hộ thì họ cũng ủng hộ theo và cũng thấy vui lây khi người này giành chiến thắng. Thế nhưng, nếu hỏi niềm vui ấy xuất phát từ đâu thì bản thân những khán giả đó cũng không thể lý giải được. Đó chính là tâm lý đám đông”.
Nhanh quên
Sự ủng hộ của khán giả gần như chỉ mang tính nhất thời. Khi cuộc thi kết thúc, sự quan tâm của khán giả cũng dừng lại và tài năng ấy cũng nhanh chóng bị lãng quên. Điều này được giới chuyên môn lý giải: “khán giả, nhất là giới trẻ, thích tập trung sự chú ý vào những điều đang hiện diện trước mắt hơn là kiên nhẫn chờ đợi một ca sĩ trẻ có thời gian để đầu tư và làm nên chuyện, dù họ đã bỏ phiếu bầu chọn và khen ngợi như một tài năng đang lên”.
Một nghệ sĩ vắng bóng trên sân khấu hay trên các phương tiện thông tin đại chúng dài ngày là có nguy cơ bị khán giả lãng quên. Điều này cũng lý giải vì sao không ít ca sĩ trẻ luôn tìm cách để khán giả nhớ về mình bằng các chiêu gây sốc, tạo xì-căng-đan mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông.
Cứ lạ, quái là gây sốt!
Trên các diễn đàn mạng, người ta đang tập trung bàn luận về thảm họa của âm nhạc Việt, khi ngày càng có nhiều sản phẩm âm nhạc quái chiêu xuất hiện. Phê phán cũng nhiều nhưng người nhấp chuột vào nghe vì tò mò đối với những sản phẩm này cũng lên đến hàng trăm ngàn. Như thế là tạo ra sốt.
Nếu từ “sốt” trước đây thường được dùng chỉ những hiện tượng đặc biệt của thị trường âm nhạc về một giọng ca có giá trị được đông đảo người nghe đón nhận nồng nhiệt hay sản phẩm âm nhạc có lượng tiêu thụ cao bất thường thì hiện nay, từ này được sử dụng một cách vô tội vạ. một cô gái có giọng ca thảm hại, một ca khúc có nội dung ngớ ngẩn... đều có thể tạo sốt.
Tâm lý khán giả là thích cái mới lạ, cho dù cái mới lạ ấy không có giá trị gì nhưng giúp họ thỏa mãn trí tò mò. Điều này đã khiến cho những sản phẩm “thảm họa” văn hóa này vẫn cứ thu hút hàng triệu lượt người xem. Hẳn nhiên, sau đó có kèm theo những phản hồi với nội dung ta thán.
Thực tế còn chứng minh chính khán giả cũng không hiểu bản thân họ muốn gì. Tỉ lệ thuận với những ca sĩ làm việc cần mẫn và nghiêm túc là những giọng ca cố tình sử dụng những sản phẩm “thảm họa” âm nhạc để thu hút khán giả. Dù là người gây nên “thảm họa” thì những giọng ca này vẫn xuất hiện trên các sân khấu biểu diễn trong sự “tán dương” của khán giả.
Khán giả có vai trò quan trọng vào việc định hướng một thị trường âm nhạc thực sự có chất lượng nhưng với những hiện tượng “nắng mưa thất thường” của số đông người như hiện nay, vai trò đó khó thể thực hiện.
Chẳng biết khán giả muốn gì!
Ca sĩ Phương Thanh thổ lộ: “Thực sự bây giờ không biết khán giả muốn gì nữa. Áp đặt cá tính âm nhạc của mình vào khán giả là một cuộc chơi liều lĩnh nhưng nếu làm ngược lại - đáp ứng thị hiếu âm nhạc của họ - lại là bài toán mang tính ăn thua, bởi chính bản thân khán giả cũng không biết họ muốn gì. Chính vì vậy, những người làm nghệ thuật chỉ có thể làm những gì mà mình cho là đúng và phù hợp nhất thôi”. Hẳn nhiên, không phải ai cũng đủ sức để làm tốt những điều như ca sĩ Phương Thanh và các ngôi sao khác. |
Bình luận (0)