Quy mô lớn và có chủ đích
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận An ninh mạng Công ty Bkav, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1.000 website bị tấn công.
Trang web petrotimes.vn bị tấn công Ddos và xóa sạch dữ liệu vào tối 9-6. (Ảnh chụp lại từ internet)
Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết trong 1, 2 tuần trở lại đây, tình trạng hacker trong và ngoài nước gia tăng hoạt động một cách bất thường, gấp nhiều lần so với trước. Đặc biệt, mức độ triển khai tấn công quy mô hơn và có mục đích rõ ràng.
Phân tích từ một chuyên gia bảo mật (đề nghị giấu tên) và tổng hợp từ các diễn đàn cho thấy: Bên cạnh sự gia tăng hoạt động của hacker trong nước, hacker nước ngoài đẩy mạnh các hoạt động quấy phá. Từ các sự kiện này, những nhóm hacker tự phát đã ra tay tấn công và trả đũa lẫn nhau.
Hầu hết những website bị tấn công có chủ sở hữu là các bộ, ngành, cơ quan có hoạt động liên quan đến vấn đề biển Đông. Đáng chú ý trong số đó là website của Bộ Ngoại giao (www.mofa.gov.vn) cùng một số website cơ quan trực thuộc, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu biển Đông (nghiencuubiendong.vn), Trung tâm Biên - Phiên dịch Bộ Ngoại giao (ntc.mofa.gov.vn).
Trong số website các bộ, ngành và cơ quan bị hacker nước ngoài tấn công, chịu tổn thất nặng nề nhất là Bộ NN-PTNT với khoảng 20 website trực thuộc bị “dội bom” ở 2 địa chỉ mard.gov.vn và agroviet.gov.vn, như: vinhlong.mard.gov.vn/index.html, phunu.agroviet.gov.vn/, mne.mard.gov.vn/, tichhop.mard.gov.vn/…
Từ chối dịch vụ, xóa sạch dữ liệu
Sau website các bộ, ngành, mục tiêu tiếp theo của giới hacker nước ngoài là các trang tin điện tử của nhiều tờ báo. Trong đó, trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao cũng bị hacker tấn công theo dạng từ chối dịch vụ (Ddos) khiến cho việc truy cập trang mạng này bị tắc.
Trong khi đó, tuần qua, một số cơ quan báo chí cũng đã nhận được thông tin cảnh báo. Theo đó, Công ty Truyền thông Việt Nam (VCCorp) phát hiện có nhiều máy tính/máy chủ có địa chỉ ở nước ngoài tấn công tới một số dải mạng của VDC (nơi VCCorp đặt hệ thống máy chủ) với lưu lượng dữ liệu rất lớn gây nghẽn một số hướng từ quốc tế. VCCorp đã phối hợp với VDC để xử lý.
Nỗ lực khắc phục
Ông Vũ Quốc Khánh cho biết hiện nay, các cơ quan hữu quan đang nỗ lực xác minh và tìm biện pháp ngăn chặn, khắc phục tình trạng hacker tấn công website Việt Nam trên diện rộng. VNCERT đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng kịp thời đưa ra những cảnh báo cần thiết, đồng thời hướng dẫn chủ sở hữu các website bị tấn công có biện pháp phòng vệ cũng như bảo vệ an toàn thông tin. Theo đó, VNCERT khuyến cáo chủ sở hữu các website bị tấn công khẩn trương lấp các lỗ hổng, cài đặt phần mềm diệt virus, tăng cường các biện pháp kỹ thuật cũng như quy trình quản trị website… |
Bình luận (0)