xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Chuỗi ngọc trai” đầy mưu toan của Trung Quốc

TS TRẦN NAM TIẾN (Trung tâm Nghiên cứu biển đảo - Trường ĐH KHXH&NV TPHCM)

Sau yêu sách “đường lưỡi bò” vô căn cứ, Trung Quốc tung ra chiến lược “chuỗi ngọc trai” với tham vọng nối biển Đông và Ấn Độ Dương

Với công hàm ngày 7-5-2009 có kèm bản đồ đường chữ U (đường lưỡi bò), Trung Quốc đã cố tình buộc cộng đồng quốc tế phải thừa nhận “biển Đông như một vịnh lịch sử”, là đường biên giới quốc gia trên biển của Trung Quốc.
 
Với yêu sách này, Trung Quốc có tham vọng biến toàn bộ biển Đông trở thành ao nhà của mình. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn không đưa ra được các bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hòa bình từ thời xa xưa.
 
img
Bản đồ biểu thị “chuỗi ngọc trai”. Ảnh: MARINEBUZZ

Thực tế, “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đưa ra không phải là con đường có tính ổn định và xác định rõ ràng. Đặc biệt, vị trí của nó lại không được xác định tọa độ rõ ràng, vì thế khó mà biểu thị là một đường biên giới của một quốc gia.
 
Do đó, việc Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa hay tranh chấp chủ quyền đối với toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa với Việt Nam, Malaysia, Philippines là không có cơ sở lịch sử và pháp lý quốc tế.
 
Nói chung, “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đơn phương đưa ra và chưa bao giờ được các quốc gia khác công nhận. Như vậy, có thể nói là yêu sách này chưa bao giờ có được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc thực sự không dừng lại ở yêu sách “đường lưỡi bò” ở biển Đông mà xa hơn trong tầm nhìn của họ là một chiến lược “chuỗi ngọc trai” (String of Pearls) đầy tham vọng nối biển Đông với Ấn Độ Dương.
 
Trên thực tế, các cơ sở cầu cảng thương mại mà Trung Quốc xây dựng tại vịnh Bengal, Ấn Độ Dương và biển Ả Rập được coi là một phần trong chiến lược “chuỗi ngọc trai”.
 
Với chiến lược này, Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng của mình từ Hải Nam ở biển Đông xuyên qua những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, hướng tới vịnh Ba Tư, mục tiêu chủ yếu là kiềm chế Ấn Độ,  bảo đảm an ninh năng lượng và kiểm soát những tuyến hàng hải quan trọng.
Chiến lược “chuỗi ngọc trai” đầy toan tính của Trung Quốc nhằm hướng đến việc gia tăng sức mạnh năng lượng, kinh tế và quân sự của họ trong tương lai.
 
Cách hiểu rộng về chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc cho thấy một Trung Quốc có tư tưởng bành trướng hơn, thực dụng hơn và ít quan tâm tới “phát triển hòa bình” hơn như họ từng tuyên bố.
 
Có thể nói, chính những nhu cầu bức thiết trong nước, Trung Quốc đã tạm thời bỏ qua hình ảnh “phát triển hòa bình” để lấn xuống biển Đông một cách mạnh bạo, thậm chí đứng trên luật pháp quốc tế, vươn tầm kiểm soát đến Ấn Độ Dương, qua đó đi nhanh hơn trên con đường bá quyền của mình ra phạm vi thế giới.

Chiến lược “chuỗi ngọc trai” được xây dựng nhằm hướng đến giải quyết vấn đề ưu tiên mang tính chiến lược của Trung Quốc là bảo đảm an toàn cho tàu chở dầu mỏ và khí đốt đến từ vịnh Ba Tư. Để đến Trung Quốc khi xuất phát từ phương Tây, các tàu phải băng qua eo biển Malacca.
 
Con đường này nằm giữa Malaysia và đảo Sumatra, với bề rộng không quá 3 km trước Singapore, là một trục chủ yếu nhưng dễ gặp trở ngại.
 
Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược “Chuỗi ngọc trai” còn được Trung Quốc nhắm đến việc bảo đảm khả năng kiểm soát Ấn Độ Dương, trong trường hợp đụng độ với một trong những đối thủ tiềm tàng mạnh nhất của nó, cụ thể là Ấn Độ.

Để thực hiện chiến lược “chuỗi ngọc trai”, đầu tiên, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với nhiều đảo ở biển Đông, trong đó chú trọng thúc đẩy tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản ứng của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
 
Tiếp đó, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, Trung Quốc khẳng định chủ quyền mạnh mẽ ở Đài Loan, tuyên bố chủ quyền và tiến hành tranh chấp đảo Điếu Ngư (Senkaku - theo cách gọi của Nhật Bản) với Nhật Bản.
 
Mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc là tiếp cận với các cảng của CHDCND Triều Tiên để từ đó dễ dàng tiếp cận biển Nhật Bản, khống chế Nhật Bản.
 
Từ biển Đông, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng “Chuỗi ngọc trai” sang Ấn Độ Dương. Trên thực tế, Trung Quốc đã triển khai những cơ sở giám sát hải quân tại đảo Coco của Myanmar và cảng Gwadar của Pakistan.

Như vậy, nếu kết nối các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông và biển Nhật Bản cùng với các đảo và những cơ sở cầu cảng khác của Trung Quốc xây dựng trải rộng từ Hải Nam tới vùng Trung Đông, “chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc hướng tới xây dựng sẽ giống như một vành đai bao quanh rất nhiều đất liền ở khu vực châu Á.
 
Chuỗi ngọc trai này tạo cơ sở cho Trung Quốc vào vị trí kiểm tra và giám sát tất cả những tuyến đường biển quan trọng nhất ở châu Á cũng như thế giới; kiềm chế Nhật Bản và Hàn Quốc; đồng thời giành lợi thế tiếp cận trực tiếp các vị trí chiến lược quan trọng ở Thái Bình Dương so với Mỹ và Nga.

Về mặt chiến lược, Việt Nam nằm ngay tâm điểm của chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, có thể nói Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ trước sự “trỗi dậy” về phía Nam của Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, việc Trung Quốc xây dựng chiến lược “chuỗi ngọc trai” hiện nay đã ảnh hưởng đến lợi ích phát triển của nhiều nước trong khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
 
Do đó, Việt Nam không chỉ giới hạn trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia mà cần phải có một sự vận động sâu rộng có tầm quốc tế, mở rộng liên kết với các quốc gia trong khu vực để tạo nên một sức mạnh tập thể ngăn cản tham vọng “bành trướng” của Trung Quốc hiện nay.
 
VỤ CẮT CÁP TÀU BÌNH MINH 02 VÀ VIKING II
Sẽ yêu cầu Trung Quốc bồi thường

Trả lời Báo Năng Lượng Mới, ngày 13-6, ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết PVN sẽ có những số liệu thống kê đầy đủ, bằng chứng rõ ràng và yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại trong hai vụ cản trở và phá cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5 và Viking II ngày 9-6 vừa qua.

Theo ông Hậu, thiệt hại kinh tế trong hai vụ việc trên là đáng kể vì các trang thiết bị khảo sát thăm dò dầu khí rất đắt tiền. Hơn nữa, khi sự cố xảy ra, tàu phải dừng sản xuất nhiều ngày để sửa chữa, khắc phục, thay thế và hiệu chỉnh thiết bị. Chi phí cho hoạt động của tàu địa chấn và các tàu hỗ trợ mỗi ngày lên đến hàng trăm ngàn USD. Khi thiết bị khảo sát bị phá hỏng, lịch trình thăm dò khảo sát bị đình trệ, PVN thiệt hại, các đối tác cũng bị ảnh hưởng theo.

“Chủ trương của PVN là quyết tâm thực hiện các dự án tìm kiếm thăm dò theo kế hoạch, thực hiện tốt nhiệm vụ được Nhà nước giao cho, tìm kiếm nguồn tài nguyên của đất nước và góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - ông Đỗ Văn Hậu nhấn mạnh.
 
H.Thành
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo