Trung tá Nguyễn Văn Quang, Đội phó Đội 6 - Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an), cho biết thời gian gần đây trên tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chủ yếu là do nổ vỏ xe.
Gần 4.300 vụ xe nổ vỏ, chết máy
Mới nhất là vào đêm 7-6, xe tải 68H-5918 trên đường từ TPHCM đi Tiền Giang, đến khúc “cua tử thần” Km 49 (đoạn đi qua địa phận xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành - Tiền Giang) thì bị nổ vỏ nên dừng ngay làn đường có tốc độ tối đa 80 km/giờ nhưng không đặt biển báo nguy hiểm phía trước và phía sau xe theo quy định.
Chiếc xe tải bị nổ lốp dạt sang trái đường khiến xe khách lao thẳng vào
trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương sáng 13-6. Ảnh: NLĐO
Cùng lúc, xe tải 63K-1118 do tài xế Nguyễn Văn Dũng điều khiển cùng hướng, chạy với tốc độ cao nhưng thiếu quan sát đã tông thẳng vào đuôi xe 68H-5918. Tai nạn xảy ra làm tài xế Dũng tử vong tại chỗ, hai người đi cùng xe 63K-1118 bị thương.
Thống kê của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, cho biết từ khi đưa vào sử dụng (ngày 3-2-2010) đến nay đã xảy ra gần 4.300 vụ xe nổ vỏ, chết máy trên đường cao tốc. Trong đó nguyên nhân chủ yếu do xe chạy quá tốc độ, chở quá tải, chất lượng kỹ thuật xe không bảo đảm…
Mỗi ngày phát hiện 30 tài xế “vượt tốc”
Cũng theo trung tá Quang, một lỗi khác của tài xế cũng dễ dẫn đến tai nạn trên đường cao tốc là do tài xế không làm chủ tốc độ. Nhiều tài xế đã đối phó với CSGT bằng cách khi biết CSGT đo tốc độ thì chấp hành quy định, còn khi không có CSGT thì cho xe chạy với tốc độ đến 140 km/giờ. Chính vì thế mà khi gặp chướng ngại vật thì lúng túng không xử lý được.
Còn theo thượng tá Nguyễn Quốc Ngạnh, Đội phó Đội 6, đa số vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương xảy ra ban đêm, nhất là nửa đêm về sáng.
Thời điểm này lượng xe trên đường ít, tài xế phóng nhanh nhưng hay ngủ gật nên rất dễ gây tai nạn. Trung bình mỗi ngày, Đội 6 phát hiện và xử lý khoảng 30 trường hợp tài xế chạy quá tốc độ trên đường cao tốc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặt đường cao tốc TPHCM - Trung Lương được trải lớp nhựa đặc biệt dày 2,2 cm để chống trơn trượt, giúp xe chạy với tốc độ trên 100 km/giờ khi thắng gấp thì vỏ xe bám mặt đường và xe không bị lật như trên đường trải nhựa bình thường.
Tuy nhiên, nhiều tài xế cho rằng lớp nhựa nhám trên đường cao tốc là nguyên nhân làm mòn và gây nổ vỏ xe (!?). Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này, một lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm Tiền Giang cho rằng hiện nay, hầu hết các xe lưu thông trên đường cao tốc đều sử dụng vỏ xe quá thời gian quy định.
Ví dụ như nhà sản xuất vỏ xe chỉ cho phép chạy tối đa từ 30.000 đến 40.000 km phải thay vỏ mới. Trong khi đó, không ít xe sử dụng vỏ chạy đến khi nào… nổ vỏ mới thay.
“Để đối phó với đăng kiểm viên, nhiều tài xế khi đến khám lưu hành xe đã mượn vỏ xe khác thay vào để đăng kiểm. Đăng kiểm xong lại gắn vỏ cũ vào lưu thông. Những trường hợp khi lưu thông vào đường cao tốc phải chạy với tốc độ cao thì việc nổ vỏ xe là không tránh khỏi” - vị lãnh đạo này cho biết.
Bình luận (0)