Ngày 5-6, người dân phát hiện một con voi đang độ trưởng thành chết thảm ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vĩnh Cửu - Đồng Nai, khi cơ quan chức năng đến hiện trường thì chỉ còn là một đống xương tàn.
Đây là con voi rừng thứ 8 đã phải bỏ mạng trong vòng hơn 2 năm nhưng đến nay lãnh đạo khu bảo tồn và các đơn vị liên quan dường như đang bất lực đứng nhìn, chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để bảo tồn đàn voi rừng.
Ai đã giết voi?
Một ngày sau khi phát hiện cái chết của chú voi thứ 8, chúng tôi có mặt tại tiểu khu 104 (ấp 7, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu-Đồng Nai), nơi xác chú voi được phát hiện, tuy nhiên những dấu vết đã bị xóa sạch sau cơn mưa lớn.
“Khi người dân gọi điện báo và cơ quan chức năng có mặt, thi thể voi đã gần như phân hủy hoàn toàn, chỉ còn một đống xương tàn đầy ruồi nhặng.
Người ta khám nghiệm hiện trường nhanh chóng rồi cho gom những mẩu xương chân, bụng, cột sống, đầu voi... đem lên xe chở đi. Chỉ trong một buổi sáng, hiện trường đã được giải tỏa. Thật đau lòng, đây là một con voi mới lớn, chết không rõ nguyên nhân gì cả”- ông Trần Hữu Bình, một người dân tại đây, nói.
Con voi chết được phát hiện tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vĩnh Cửu ngày 5-6 chỉ còn lại đống xương.
Cách đây không lâu, cũng tại khu vực xã Mã Đà này, hai chú voi khác cũng được phát hiện trong tình trạng tương tự. Đó đều là những con voi con và voi đang độ trưởng thành.
Theo người dân, đau lòng nhất là trong năm 2010, cảnh một chú voi được phát hiện chết khi thi thể còn nguyên vẹn, hai chân sau trong tư thế sụp xuống, một chân trước còn với lên, bên mắt hằn những vệt nước mắt chảy dài như không theo kịp mẹ…
Theo cơ quan chức năng, sau khi khám nghiệm tử thi voi, tất cả các trường hợp đều phát hiện trong bụng voi có các thức ăn như xoài, mì, hạt điều, mía - những loại cây trái mà người dân nơi đây thường trồng - nên ban đầu đặt ra nghi vấn: Voi chết là do người dân đầu độc.
Trong khi trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân nơi đây một mực khẳng định họ không thể nào “dã man” như thế bởi đàn voi rừng có gì đó rất thiêng liêng với họ.
Vì vậy, người dân nơi đây không dám gọi tên của loài thú rừng này mà thường gọi là “ông Bồ”. Anh Trần Đại, công an ấp 7, xã Mã Đà, nhà ở gần vị trí voi chết, trần tình: “Sao người ta nghĩ xấu cho chúng tôi như thế, ông Bồ chết tội nghiệp chính chúng tôi cũng đau lòng!”.
Còn ông Đặng Văn Nhơn, trưởng ấp 2, xã Phủ Lý, cũng chua xót: “Đúng là ổng thường kéo về ăn cả vườn cây trái của chúng tôi nhưng tôi nghĩ bà con không ai tàn ác như thế được, cơ quan chức năng cần phải làm rõ sự việc để bà con khỏi bị hàm oan”.
Đề nghị công an vào cuộc
Cũng theo nhận định của các cơ quan chức năng, nếu voi không phải chết vì “cuộc chiến giành lãnh địa” với người thì có thể đã bị những thành phần xấu nào đó hại chết để tìm cách lấy lông, da hoặc ngà. Khi nghe chúng tôi nói vậy, người dân ở đây đã đặt câu hỏi: Vậy khu bảo tồn lập ra đội “phản ứng nhanh” để làm gì?
Và một con voi khác đang độ trưởng thành chết trong năm 2010, trong tư thế khuỵu gối
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vĩnh Cửu đã thành lập đội “phản ứng nhanh” gồm gần 20 người, có nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ và xử lý những trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng đàn voi.
Tuy nhiên, thực tế những vụ việc xảy ra trước đây cho đến vụ voi chết thảm gần đây, đội phản ứng nhanh cũng chỉ được biết khi thi thể voi chỉ còn lại… đống xương, họ chỉ còn mỗi trách nhiệm là… hốt đống xương voi đem đi.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vĩnh Cửu, cho biết chính ông cũng đau lòng khi chứng kiến những con voi trong khu bảo tồn lần lượt mất đi.
“Đàn voi rừng ở đây có khoảng 20 con, nay 8 con đã chết. Đau lòng lắm nhưng chỉ mình ban quản lý cũng đành bất lực. Đề nghị công an nhanh chóng, tích cực vào cuộc để làm rõ sự việc, chứ voi chết quá nhiều rồi!”- ông Mùi nói.
Bất lực!
Việc đàn voi rừng tại Đồng Nai chết gần phân nửa trong vòng mấy năm nay khiến dư luận bức xúc nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa thể làm rõ được vụ việc. Nhiều lần, đích thân ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, chủ trì nhiều cuộc họp, tuy nhiên, cuối cùng vẫn chưa đưa ra kết luận nào. Đến lượt con voi thứ 8 này, Công an Đồng Nai cùng các đơn vị liên quan cũng đã có mặt tại hiện trường nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. “Hiện các bên đang tổ chức khám nghiệm, lần này cơ quan chức năng sẽ làm mạnh tay hơn để tìm ra thủ phạm”- một cán bộ thuộc Công an huyện Vĩnh Cửu cho biết. |
Đắk Lắk: Đàn voi suy giảm nghiêm trọng
Theo thống kê, năm 1985, đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk có 502 con nhưng đến năm 2011 chỉ còn 60 con. Trong đó, chỉ có 35 con thuộc quyền sở hữu của các gia đình người dân tộc bản địa, số còn lại đã bán cho các doanh nghiệp làm du lịch.
Một con voi nhà tại Đắk Lắk phải vật lộn với hàng trăm nhát chém trong những ngày cuối đời
Về voi rừng, hiện nay, số lượng đang suy giảm nghiêm trọng do môi trường sống bị thu hẹp và tình trạng săn bắn voi để lấy ngà, lông đuôi đang diễn ra phổ biến.
Theo PGS-TS Bảo Huy (Trường ĐH Tây Nguyên), hiện nay, khu vực an toàn cho voi rừng chỉ còn khoảng 150.000 ha, đây là diện tích tối thiểu cho voi sinh sống. Nếu diện tích rừng tiếp tục suy giảm, nguy cơ xung đột giữa voi - người sẽ gia tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2011, Đắk Lắk có 4 con voi rừng bị chết, nguyên nhân chủ yếu do bị sát hại. Mới đây nhất, vào ngày 4-6, kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn) đã phát hiện xác một con voi nặng hơn 200 kg đang trong thời kỳ phân hủy, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân cái chết.
C.Nguyên |
Bình luận (0)