* Phóng viên: Là người nhiều năm theo sát vấn đề an ninh, tranh chấp trên biển Đông, ông nhìn nhận gì về động thái phía Trung Quốc hết dùng tàu hải giám rồi tàu đánh cá được sự hậu thuẫn của tàu ngư chính xâm phạm vùng thềm lục địa của Việt Nam?
- Đại tá Trần Nhung: Trước hết, tôi tán đồng với đánh giá của nhiều nhà phân tích cho rằng đây là những hành động được tính toán và chuẩn bị kỹ của Trung Quốc nhằm lập lờ biến khu vực thuộc thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý của họ, biến biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tôi cũng rất muốn đề cập việc các hoạt động xâm nhập vùng thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam của những chiếc tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc đầy sức mạnh để quấy nhiễu, phá cáp thăm dò địa chấn của các tàu Bình Minh 02 và Viking II mới đây, đã tạo ra những thách thức an ninh phi truyền thống mới trên biển Đông.
* Cơ sở nào để đưa ra đánh giá như vậy, thưa ông?
- Nhìn lại tình hình trên biển Đông trước đó, có thể thấy chính những tàu hải giám, ngư chính này đã nhiều lần bắt bớ, uy hiếp tàu đánh cá của không chỉ Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác, gây ra tình hình căng thẳng về an ninh trên biển Đông.
Những chiếc tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc vẻ bên ngoài là dân sự nhưng thực chất chúng là những tàu quân sự trá hình. Trong đó, chiếc ngư chính 311 tham gia vụ phá cáp thăm dò địa chấn tàu Viking II ngày 9-6, chính là tàu của hải quân Trung Quốc thuộc hạm đội Nam Hải, được sơn phết thành tàu dân sự.
Với sức mạnh của tàu hải quân có trọng tải 4.450 tấn, dài 113,5 m, rộng 15,5 m, tốc độ 20 hải lý/giờ, tàu ngư chính 311 đã “tham gia” nhiều vụ va chạm trong tranh chấp trên biển với không chỉ Việt Nam mà còn các cường quốc khác như Nhật Bản và Mỹ, tạo ra những căng thẳng trong cả quan hệ ngoại giao và tình hình an ninh trên biển.
Tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn tàu Bình Minh 02. Ảnh: petrotimes.vn
* Vì sao Trung Quốc lại dân sự hóa tàu quân sự?
- Có thể nói Trung Quốc đã suy tính một cách sâu xa và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự hoán cải này. Với chiếc áo khoác dân sự thì những vụ đụng độ trên biển do tàu hải giám hay ngư chính gây ra, vẫn được xem là một vụ va chạm dân sự và khi giải quyết, các chủ thể căn cứ trên các quy định pháp lý quốc tế. Cơ quan đứng ra giải quyết cũng là các cơ quan thực thi pháp luật, chứ không có sự tham gia của quân đội.
Với sức mạnh áp đảo của đội tàu hải giám và ngư chính, rõ ràng khi tranh chấp với Trung Quốc, rất nhiều nước không có lực lượng tương xứng. Trong khi đó, Trung Quốc lại rất giỏi trong việc tạo cớ để lấn tới nên nếu các nước dùng hải quân để đối phó với tàu hải giám hay ngư chính sẽ có cớ để Trung Quốc mạnh tay can thiệp.
* Nói như ông, những tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc khi cần thiết có thể được sử dụng như một công cụ trong chiến lược nhất quán hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” của họ?
- Dùng sức mạnh quân sự để gây ra các cuộc chiến tranh hay xung đột quân sự truyền thống, như cách mà Trung Quốc đã dùng để chiếm giữ các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước đây, là khó tới mức hầu như không thể thực hiện được trong tình hình hiện nay.
Vì vậy, Trung Quốc phải mưu tính cách khác để áp đặt chủ quyền mà họ đòi trong yêu sách “đường lưỡi bò”. Đó là dựa vào đội tàu hải giám và ngư chính hùng hậu, trong đó có những con tàu lớn, rất hiện đại, được trang bị cả trực thăng với sự hoạt động không hạn chế trên đại dương.
* Các quốc gia trong khu vực có tranh chấp với Trung Quốc dường như chưa sẵn sàng đối phó với thách thức từ đội tàu quân sự trá hình này?
- Trong các hội nghị về an ninh khu vực thời gian qua, ASEAN cũng như các nước đối thoại là các cường quốc lớn trên thế giới đã nhấn mạnh tới những thách thức an ninh phi truyền thống ở biển Đông. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn nhận và đánh giá trước được sự đe dọa, uy hiếp từ đội tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc gây ra trên biển Đông.
Nói cách khác, nhiều nước có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông chưa được chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức và lực lượng để sẵn sàng đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có thách thức đến từ những chiếc tàu khoác áo dân sự của Trung Quốc.
* Làm thế nào để ứng phó với thách thức này, thưa ông?
- Cần tiến hành một loạt công việc cụ thể. Trước hết, cần vạch rõ suy tính đằng sau những vụ dùng tàu hải giám hay ngư chính của Trung Quốc để tiến hành các hoạt động quấy nhiễu, cản trở, thậm chí là uy hiếp tàu bè dân sự các nước khác trên biển Đông. Các nước ASEAN cần có tiếng nói đồng thuận để quốc tế thấy rõ những suy tính của Trung Quốc.
Về phía chúng ta, cần nghiên cứu nghiêm túc quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, nhận thức sâu sắc các mối tương tác giữa hợp tác và đấu tranh. Vấn đề chủ quyền là dứt khoát không thể nhân nhượng. Cùng với sự đoàn kết và nhất trí với ASEAN và quốc tế, chúng ta cũng cần có lực lượng thích hợp để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như bảo vệ ngư dân.
Tôi thấy đề án kiểm ngư của chúng ta, trong đó có thành lập lực lượng kiểm ngư với các tàu kiểm ngư công suất lớn, được trang bị hiện đại và có thể hoạt động dài ngày trên biển, là bước đi đúng. Tuy nhiên, cần phải khẩn trương để sớm có lực lượng kiểm ngư chuyên nghiệp. Hơn lúc nào, chúng ta rất cần sự đồng thuận và kiên quyết thực hiện các biện pháp để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.
Phát triển chóng mặt đội quân hải giám - ngư chính
Đội tàu hải giám của Trung Quốc đã phát triển với tốc độ chóng mặt thời gian qua. Tính đến thời điểm năm 2011, đã có 300 tàu với 30 tàu có trọng tải từ 1.000 đến 4.000 tấn/tàu và 10 máy bay. Năm 2011, đội tàu hải giám này tuyển thêm 1.000 nhân viên, nâng số nhân viên có kỹ năng sử dụng vũ khí, làm việc trên đội tàu này lên tới trên 10.000 người. Chưa thỏa mãn, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng thêm 36 tàu hải giám trong 5 năm tới.
Ngoài ra, hiện Trung Quốc có 7 tàu ngư chính trên 1.000 tấn/tàu. Ngoài chiếc lớn nhất là ngư chính 311, đội tàu ngư chính của Trung Quốc còn có chiếc ngư chính 310 được trang bị hiện đại, trọng tải 2.850 tấn, có thể di chuyển liên tục trong 60 ngày, mang theo 2 máy bay trực thăng Z-9A và có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết trên đại dương.
Trong kế hoạch 5 năm, 2011-2015, Trung Quốc lên kế hoạch đóng thêm nhiều tàu ngư chính, trong đó có một tàu ngư chính chở máy bay trực thăng, trọng tải 2.500 tấn hoạt động tại khu vực biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn có kế hoạch đóng 3-5 tàu ngư chính siêu lớn với trọng tải trên 5.000 tấn mỗi tàu. |
Bình luận (0)