Đo khí trong hầm lò khai thác than Ảnh: Đông Bắc
Năm 2020 sẽ nhập 60 triệu tấn than
TKV cho hay khả năng sản xuất than của TKV đến năm 2015 là 55-60 triệu tấn, năm 2020: 67-72 triệu tấn, năm 2025 trên 77 triệu tấn. Như vậy, đến năm 2015, Việt Nam sẽ nhập khoảng 6 triệu tấn than và sau đó tăng dần lên theo các năm tùy thuộc vào tiến độ sử dụng, chủ yếu của các nhà máy nhiệt điện chạy than. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 60 triệu tấn, chủ yếu cho nhà máy điện. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng con số này là sự tổng hợp từ nhu cầu sử dụng điện của các ngành và thực tế số lượng than phải nhập có thể thấp hơn.
Ông Vũ Mạnh Hùng cho biết Việt Nam là nước đang xuất khẩu than ròng (than Antraxit) nên kinh nghiệm nhập khẩu than chắc chắn sẽ không bằng các nước chuyên nhập khẩu than từ trước đến nay như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc… Để thực hiện chỉ đạo nhập khẩu than, TKV đã tổ chức tìm các đối tác, tìm hiểu cách thức… Trước mắt, xác định nguồn than nhập khẩu là từ Indonesia, Úc vì nếu nhập từ vùng Viễn Đông, Liên bang Nga, giá thành cao vì chi phí vận chuyển quá lớn. Trong khi thị phần nhập khẩu than năng lượng của Úc, Indonesia chủ yếu đã do Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… nắm giữ nên việc đàm phán mua than với số lượng lớn là rất khó khăn. Ông Hùng khẳng định chuyến tàu than nhập khẩu đầu tiên này là phép thử. Đây là số lượng than nhập khẩu duy nhất trong năm 2010 và chưa có kế hoạch cụ thể tiếp theo.
Theo ông Hùng, giá nhập gần 1 vạn tấn than này không thể tiết lộ và số than này chủ yếu tiêu thụ ở thị trường các tỉnh phía Nam. Sau khi chế biến thành than cục, than cám thì sẽ bán cho các hộ khác nhau và không bán cho hộ sản xuất điện.
Bán giá cao, mua giá thấp
Giải thích về nghịch lý Việt Nam xuất khẩu than liên tục trong nhiều năm qua với số lượng hàng chục triệu tấn mỗi năm thì nay đã phải nhập khẩu than, ông Hùng cho hay than được cấu tạo theo vỉa nên khi khai thác phải lấy toàn bộ, gồm cả than xấu, than tốt. Loại than Việt Nam đang xuất khẩu chủ yếu là loại than tốt (nhiệt lượng 7.000-7.800calo), thường dùng cho luyện kim và được bán với giá trên 300 USD/tấn. Trong khi loại than tốt này Việt Nam chưa có nhu cầu. Loại thứ 2 xuất khẩu là loại than rất xấu và thị trường chủ yếu là Trung Quốc (độ tro 65%-70%, nhiệt lượng 4.000 calo) dùng cho các nhà máy điện.
Ông Hùng phân trần hiện công nghệ các nhà máy điện của Việt Nam không cho phép dùng loại than xấu này mà dùng loại than cám 5 (nhiệt lượng 5.000-6.000 ca-lo). TKV hiện là doanh nghiệp đầu tiên đang lập đề án xây dựng các nhà máy điện sử dụng loại than xấu này. Còn nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì không sử dụng loại than phẩm cấp thấp. Thậm chí, đến thời điểm này, quy chuẩn của Nhà nước là loại than này không tính vào sản lượng thu hoạch.
Theo ông Hùng, năm 2010, theo kế hoạch, TKV sẽ xuất khẩu 16 triệu tấn than. “Với giá bán than cho các hộ trong nước như vừa qua, TKV bán thấp hơn giá thành khoảng 3.000 tỉ đồng. Vì thế, TKV phải xuất khẩu than để bù vào giá bán trong nước và phát triển sản xuất” – ông Hùng nói.
Mở bể than sông Hồng Theo TKV, do nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng tăng cao, từ năm 2015 Việt Nam sẽ thiếu 5,8 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ thiếu 66 triệu tấn. Ông Vũ Mạnh Hùng cho biết TKV nhất quán với đường lối tăng sản lượng than sản xuất trong nước, cố giảm bớt nhập khẩu. Do vậy, TKV đã tập trung chỉ đạo xây dựng mỏ hầm lò mới, có công suất 1,5-3,5 triệu tấn/năm. Ngoài ra, TKV đang tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề phát triển tài nguyên than của tập đoàn như xây dựng quy hoạch thăm dò khai thác bể than sông Hồng. Hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này đang được thẩm định, nếu không có gì thay đổi, dự kiến quý III/2011 sẽ được phê duyệt. Hiện TKV đang làm việc với tỉnh Hưng Yên, Thái Bình để xem xét khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng, đánh giá việc áp dụng công nghệ khai thác để bảo đảm mục tiêu lấy được than mà vẫn bảo đảm an sinh xã hội ở khu vực. |
Bình luận (0)