Tàu hải giám 311 của Trung Quốc yểm trợ tàu đánh cá của nước này cắt cáp thăm dò của tàu Viking II của Việt Nam vào ngày 9-6. Ảnh: Tư liệu
|
- Sự hung hăng của những chiếc tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc đã và đang khiến khu vực và thế giới lo ngại về an ninh hàng hải trên tuyến vận tải huyết mạch trên biển Đông. Các sự kiện với tàu Bình Minh 02 và Viking II cũng không phải những vụ gây hấn đầu tiên của những chiếc tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc trên biển Đông. Tháng 1-2005, tàu Trung Quốc cũng đã bắn thẳng vào những tàu đánh cá của ngư dân Hậu Lộc (Thanh Hóa) đang đánh bắt cá tại phía Tây đường phân định trên vịnh Bắc Bộ, tức là hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Nếu chúng ta đủ mạnh thì hoàn toàn có thể bắt giữ để truy tố theo luật pháp Việt Nam, luật quốc tế hoặc đưa ra toà án quốc tế để giải quyết.
* Thưa ông, dư luận đang rất lo ngại trước việc những chiếc tàu ngư chính, hải giám khoác chiếc áo dân sự để đi gây hấn, uy hiếp trên biển Đông?
- Theo nguyên tắc UNCLOS 1982 hay luật pháp quốc tế, các tàu quân sự không được hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác như vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế, càng không được phép trong khu vực lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải. Trung Quốc rõ ràng đã có suy tính rất sâu xa trong việc hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” khi khoác chiếc áo dân sự đi uy hiếp và gây hấn trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác trên biển Đông. Nhưng dù chúng có khoác vỏ bọc dân sự đi chăng nữa thì Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đưa việc các tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc xâm phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của ta ra toà án quốc tế để buộc hai cơ quan hải giám và ngư chính Trung Quốc bồi thường các thiệt hại mà chúng gây ra. Cũng cần nói thêm “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có vị trí tọa độ địa lý phù hợp với điều 75 và các điều khoản quy định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo UNCLOS 82 nên không có giá trị.
* Luật pháp quốc tế có cho phép chúng ta dùng hải quân để đối phó với những chiếc tàu dân sự Trung Quốc khi chúng xâm phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
- Theo điều 73 UNCLOS 82 (Enforcement of laws and regulations of the coastal State) và luật pháp quốc tế hoàn toàn cho phép điều đó. Hải quân chúng ta hoàn toàn có quyền cảnh cáo, xua đuổi, thậm chí có thể bắt giữ và phạt nếu tàu dân sự nước ngoài xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam.
* Nhưng có ý kiến cho rằng nếu hải quân chúng ta có hành động đối phó thì Trung Quốc sẽ mượn cớ để can thiệp mạnh hơn?
- Trung Quốc có những suy tính rất kỹ trong việc cho những chiếc tàu khoác áo dân sự trong hai sự kiện Bình Minh 02 và Viking II. Nếu chúng ta không tỉnh táo rất có thể bị rơi vào cái bẫy tạo cớ của họ. Không loại trừ khả năng nếu tàu hải quân ta xuất hiện thì tàu chiến thuộc hạm đội Hải Nam sẽ có hành động can thiệp. Như thế, tình hình an ninh trên biển Đông sẽ trở nên rất căng thẳng. Vì thế, lựa chọn tốt nhất vẫn là dùng lực lượng dân sự để đối phó với tàu Trung Quốc, dù biết rằng chúng chỉ có vẻ ngoài dân sự.
* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về cách thức đối phó của ta?
- Về chiến lược lâu dài thì phải phát triển kinh tế để dân giàu nước mạnh và có điều kiện xây dựng lực lượng hải quân mạnh. Song song với lực lượng hải quân, cần phát triển các lực lượng và đội tàu tuần tra và giám sát biển dân sự. Trước mắt, cần có giải pháp tình thế để hạn chế đội tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc để chúng không tạo cớ gây căng thẳng, xung đột trên biển Đông. Chúng ta cần sớm vạch ranh giới và vẽ bản đồ ranh giới biển theo UNCLOS 1982. Quốc hội sớm thông qua bộ luật biển và công báo với quốc tế về các chủ trương của Việt Nam về ranh giới trên biển, các khu đặc quyền kinh tế biển và thềm lục địa, phổ biến cho ngư dân khi đánh bắt cá xa bờ cũng như cho các cơ quan tổ chức và cá nhân làm kinh doanh trên biển. Cần liên tục tăng cường nhanh đội tàu tuần tra và thành lập đội tàu giám sát và kiểm ngư vùng duyên hải và biển xa, đặc biệt các vùng Việt Nam tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và các khu vực Việt Nam đang khảo sát địa chấn và khai thác dầu khí cũng như các khu vực đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam.
Tàu ngư dân lại bị cướp Tin từ Đồn Biên phòng 328 Lý Sơn – tàu cá QNG 66074 TS của ông Trần Hiền (SN 1980) ở thôn Tây xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn vừa cập bến và báo cáo: Lúc 9 giờ ngày 14-6, tại khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa, tàu Hải quân Trung Quốc mang số 45012 đã khống chế 10 ngư dân trên tàu và cướp 2 cuộn dây hơi, 500 kg cá. Sau 4 giờ bắt giữ, phía Trung Quốc đã đuổi tàu cá của ông Hiền về phía Việt Nam. Lúc 6 giờ 30 phút ngày 16-6 thuyền ông Hiền cập cảng Lý Sơn.
L.V.Chương |
Bình luận (0)