Cha đốt con, chồng đốt vợ là một trong những hiện tượng xã hội như vậy. Có nạn nhân đã chết nhưng cũng có người còn sống với đầy thương tật như một lời tố cáo mạnh mẽ nhất. Từ ngược đãi, bạo hành bằng tay chân, gậy gộc, dao rựa, người ta tìm đến những cách thức hành hạ mới tàn độc hơn.
Túng quẫn, say sưa, ghen tuông, bất lực có thể là những nguyên nhân trực tiếp nhưng khi đẩy vấn đề ra xa - nơi đang có nhiều cảnh đời đơn độc - chúng ta lại mường tượng có một nguyên nhân bao trùm mang tính xuất phát: Sự khô hạn phần “hồn” nơi con người; mà hồn ở đây chính là tâm hồn - tinh cốt của giáo dục, văn hóa và tình người. Bởi thực tế, không phải ai nghèo túng, ghen tuông, bất lực, thậm chí say rượu đều trở thành kẻ ác.
Mới tuần trước, câu chuyện về một vụ hôi của giữa ban ngày tại TPHCM khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nạn nhân - một người đàn ông - may mắn thoát khỏi 2 tên cướp tại một giao lộ đông đúc nhưng ngay tức khắc lại trở thành khổ chủ của nhiều người đi đường.
Có thể nói, những dạng thức mới của cái ác, cái xấu xuất hiện phản ánh sự khập khiễng của đời sống xã hội, nghĩa là phần “hồn” của đời sống đang chìm khuất dưới phần “xác” của nó. Nói cách khác, khuôn mặt tinh thần của con người thay đổi rất chậm so với diện mạo vật chất.
Là một bộ phận của xã hội, báo chí không chỉ phản ánh đời sống mà còn dự báo và đánh thức. Nhiều cây bút luôn suy tư, tìm mọi cách khơi gợi, đánh thức phần “hồn” trong xã hội, trong khi cũng không ít nhà báo, hữu ý hoặc vô tình, đã dành quá nhiều giấy mực và sự ưu ái cho phần “xác”, khiến độc giả bội thực, còn đối tượng được tán dương quá đáng thì ảo tưởng về giá trị của mình.
Người ta không thể hạnh phúc chỉ với cái bụng căng cùng các thú vui nhục dục, như cách nhà triết học Hy Lạp cổ đại Epicure mỉa mai: “Nếu sự no đủ vật chất là thước đo hạnh phúc thì bò là con vật hạnh phúc nhất”.
Bình luận (0)