* Phóng viên: Là người Mỹ, ông nhìn nhận thế nào về Hội nghị Quốc tế về an ninh hàng hải trên biển Đông vừa diễn ra tại Washington?
- Ông Andre Sauvageot: Theo tôi, phát biểu của thượng nghị sĩ John McCain rất tích cực, phù hợp với lập trường của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông John McCain đứng về phía chính nghĩa của Việt Nam và luật pháp quốc tế. Tháng 7-2010, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cùng các nước đối tác tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã minh bạch lập trường của Chính phủ Mỹ, không chấp nhận tranh chấp chủ quyền ở biển Đông bằng sức mạnh và bạo lực, các tranh chấp phải được giải quyết căn cứ vào Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002.
* Việc hội thảo tổ chức tại Washington vào lúc tình hình ở biển Đông đang nóng có phải là tín hiệu để thấy Mỹ quan tâm đến khu vực hàng hải này?
- Hội thảo mang ý nghĩa tích cực hơn. Tại Đối thoại Shangri - La tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tuyên bố: “Trung Quốc giải quyết vấn đề biển Đông theo phương châm các bên cùng thắng”. Nhưng lời nói này không đi đôi với việc làm vì trước đó ngày 26-5, Trung Quốc đã cho 3 tàu hải giám xâm phạm vào khu vực thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam và tiếp ngay theo đó lại vụ tàu Viking II bị tàu Trung Quốc gây rối ngày 9-6. Tôi thắc mắc tại sao Trung Quốc làm như vậy trước Đối thoại Shangri-La. Đó là Trung Quốc muốn thử nghiệm phản ứng của cộng đồng quốc tế. Theo tôi, không thể có quan hệ tốt với các nước nếu không bảo đảm chủ quyền của nước mình, không thể nhượng bộ hoặc nhát gan.
* Hội nghị này không chỉ riêng Mỹ mà cả ASEAN lo ngại về tính toán của Trung Quốc trên biển Đông?
- Các nước ASEAN phải đoàn kết chống lại mối đe dọa của Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Chiến lược của Trung Quốc rõ ràng là muốn giải quyết mọi vấn đề bằng đàm phán song phương với các nước nhỏ hơn.
* Những hành động gần đây của Trung Quốc có gây quan ngại về mối đe dọa đối với tự do hàng hải ở biển Đông?
- Có và đó cũng là sự quan tâm của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary. Họ rất quan tâm đến tự do hàng hải trên biển Đông. Không thể bảo vệ tự do đi lại được khi một nước nào đó vi phạm chủ quyền của các nước khác, nhất là nước vi phạm lại là nước lớn, có lực lượng quân sự mạnh.
* Ông đánh giá thế nào về lập trường của Việt Nam chủ trương giải quyết mọi bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế?
- Nên tiếp tục con đường mà Việt Nam đang đi, kết hợp với đấu tranh ngoại giao để tranh thủ sự hỗ trợ ngày càng mạnh của cộng đồng quốc tế và ASEAN. Nên tránh tranh chấp quân sự ngay lập tức ở biển Đông. Không ai muốn chiến tranh nhưng không thể nhượng bộ, không hy sinh chủ quyền của mình. Nhân dân Việt Nam rất đáng tự hào vì luôn có chính nghĩa trong mọi cuộc chiến tranh.
Bình luận (0)