Tại hội thảo “Một số giải pháp xây dựng hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Quang Đạo, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng nếu xây dựng đường bộ trên cao dọc tuyến Vành đai 2, Vành đai 3 thì có thể phải phá 3 cầu vượt Mai Dịch, Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng.
Cầu vượt Ngã Tư Vọng trên đường Vành đai 2. Ảnh: ĐỖ DU
Phá bỏ 5.000 tỉ đồng (!)
PGS-TS Nguyễn Quang Đạo cho rằng sở dĩ có việc nêu trên là do từ trước đến nay, Hà Nội không coi trọng tiến trình quy hoạch.
Hơn nữa, quy hoạch chi tiết thường duyệt trước quy hoạch chung dẫn đến việc thực hiện rồi phải phá. Hiện trên đường Vành đai 2, 3 của TP đang có 3 cầu vượt và đều được bố trí tại các nút giao thông trọng điểm.
“Nếu xây dựng đường trên cao thì nhất thiết phải phá bỏ 3 cầu này. Cũng có một số giải pháp như kết nối trực tiếp hoặc đi vượt các cầu nhưng cả hai giải pháp này đều rất tốn kém không mang lại hiệu quả giao thông cao” - ông Đạo nói.
Theo kế hoạch phát triển GTVT TP Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Sở GTVT trình UBND TP Hà Nội, đến năm 2015, Hà Nội sẽ xây dựng 6 tuyến đường trên cao ở các tuyến vành đai và một số trục đô thị trung tâm với tổng kinh phí đầu tư cho các tuyến đường này khoảng 50.000 tỉ đồng.
Từ đây đã có nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng các tuyến đường trên cao sẽ phải phá đi rất nhiều công trình mà trước mắt là 3 cầu vượt Mai Dịch, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, với tổng đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng.
Trả lời báo chí, một số chuyên gia đã đánh giá đây là minh chứng việc thiếu tầm nhìn của các cấp trong quy hoạch giao thông, gây lãng phí quá lớn.
Khó thành hiện thực
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc PMU Thăng Long (Bộ GTVT), phản bác những thông tin trên. Ông Bình cho biết theo thiết kế được Bộ GTVT phê duyệt, việc xây dựng đường trên cao ở Vành đai 3 sẽ không phải phá cầu vượt Mai Dịch.
“Chúng tôi đã thiết kế để dòng phương tiện có thể dễ dàng đi lên cầu, phần tiếp nối cũng đủ chiều dài để tách, nhập dòng với làn đường phía dưới. Cầu vượt Mai Dịch trước đây được xây dựng theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật nên việc tiếp nối đường bộ trên cao không phải điều chỉnh gì nữa” - ông Bình khẳng định.
Cuối năm 2010, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc thống nhất chủ trương triển khai xây đựng đường bộ trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy tới Ngã Tư Sở (tuyến đường thuộc Vành đai 2, đi qua 2 cầu vượt Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở) theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Trong công văn này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng tuyến đường thuộc Vành đai 2 là đoạn tuyến đã được xác định trong “Định hướng quy hoạch giao thông khu vực nội đô của đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” được Hội đồng Thẩm định Nhà nước thông qua, đang trong quá trình chờ Thủ tướng phê duyệt.
Đến tháng 3-2011, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc chủ trương xây dựng tuyến đường trên và giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Vì vậy, chưa thể tính đến việc đập bỏ 2 cầu vượt Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở hay không.
Trong khi đó, GS Nguyễn Xuân Trục, Hội Khoa học Cầu đường Việt Nam, cho biết thông tin phá 3 cầu vượt chỉ được ông Nguyễn Quang Đạo đưa ra tại một hội thảo, chứ chưa hề có một đánh giá, nghiên cứu cụ thể nào.
“Tôi cũng tham gia buổi hội thảo đó và ý kiến này chỉ được đưa một cách ngẫu nhiên. Nhiều nước trên thế giới vẫn làm cầu vượt 2-3 tầng nên thông tin về chuyện phá 3 cầu vượt tôi nghĩ là khó có thể thành hiện thực vì sẽ gây lãng phí lớn” - GS Trục nói.
Cân nhắc bài toán kinh tế
PGS-TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết: “Trước đây, chúng tôi xác định xe máy là nguyên nhân chính gây ùn tắc tại Hà Nội nên đã đề xuất chỉ nên làm cầu vượt bằng kết cấu thép tại 3 khu vực mà hiện là cầu vượt bê tông cốt thép. Đây là phương án vừa rẻ vừa có thể dỡ bỏ đi khi Hà Nội có quy hoạch xây dựng chung nhưng ý kiến ấy đã không được chú ý.
Nếu làm các tuyến đường trên cao và có ý kiến phá bỏ các cầu vượt này thì Hà Nội phải cân nhắc kỹ về bài toán kinh tế. Nếu thấy phá đi là cần thiết thì phải phá nhưng như thế thì phải kỷ luật người đã phê duyệt xây dựng cầu vượt trước đây vì phê duyệt manh mún, gây lãng phí”. |
Bình luận (0)