xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sai lầm sử dụng năng lượng từ than

Bài và ảnh: Thế Dũng

Đua nhau mở nhà máy thép, xi măng vượt xa nhu cầu bởi được ưu tiên mua điện giá rẻ. Hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy than với công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp đang tiêu tốn một lượng than khổng lồ

Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang tố khổ vì phải bán than cho các hộ phát điện dưới giá thành và sắp phải nhập tới 70% nhu cầu than.
Trong khi đó, nhiều ngành như sản xuất thép, xi măng vốn đang tiêu hao điện năng rất lớn (gián tiếp khiến ngành than gặp khó khăn) lại đang trong tình trạng cung vượt cầu, phải xuất khẩu sản phẩm...

Thuồng luồng “ăn” điện, “ăn” than

Năm 2010, ngành thép, xi măng (hai ngành “ăn” điện như thuồng luồng  vốn được mua điện dưới giá thành) đã có con số xuất khẩu tăng vọt. Cụ thể: Trong năm 2010, ngành thép đạt kim ngạch tới 1,004 tỉ USD, tăng tới 126,3% và  nhóm các sản phẩm từ thép đạt 820 triệu USD, tăng tới 35,8% so với năm 2009. Ngành xi măng cũng xuất khẩu tới 700.000 tấn clinker và xi măng. Năng lực sản xuất của các nhà máy xi măng hiện có đã dư thừa từ 1-2 triệu tấn...

Đáng lo ngại hơn là song hành với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu kỷ lục năm 2010 của thép, xi măng thì nhu cầu dùng điện của hai ngành này cũng đã tăng thêm tới 27,5% so với năm 2009.
Trong đó, sản xuất thép tiêu thụ 4,67 tỉ KWh, chiếm tỉ lệ 5,52%; sản xuất xi măng tiêu thụ 5,52 tỉ KWh, chiếm 6,5% sản lượng điện cả nước. Thậm chí, lãnh đạo một tỉnh ở đồng bằng sông Hồng còn ta thán việc một nhà máy cán thép trên địa bàn tiêu thụ tới 50% tổng lượng điện tiêu thụ của cả tỉnh này. Việc sản xuất thép còn tiêu thụ một lượng than cốc (loại than có giá trị kinh tế cao) rất lớn.
img
Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 vừa đưa vào hoạt động cuối năm 2010
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng (TKV), cho hay tổ chức Jica của Nhật Bản đã từng đánh giá một số cơ sở sản xuất thép ở Việt Nam tổn thất nhiệt tới 50% do hệ thống sản xuất quá lạc hậu. “Để các dự án thép, xi măng mọc ra như nấm và tiêu thụ điện khủng khiếp như hiện nay, trách nhiệm trước hết là chính quyền các tỉnh nhưng Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cũng không thể ngoài cuộc”- TS Sơn nhận xét.
Về tình trạng các nhà máy nhiệt điện, TS Nguyễn Thành Sơn đánh giá: Phần lớn các nhà máy nhiệt điện hiện nay hiệu suất nhiệt chỉ đạt 30%, trong khi công nghệ của các nhà máy nhiệt điện hiện đại ở các nước phát triển là 40% - 45%. Hơn thế nữa, rất ít nhà máy nhiệt điện đặt nặng vấn đề hiệu suất nhiệt, hiệu suất cả đời dự án.
Thậm chí, có nhà máy nhiệt điện, than bỏ đi lẫn trong xỉ lên tới 25%. Theo ông Sơn, nếu đấu thầu nghiêm túc sẽ không có chuyện nhiều công ty Trung Quốc trở thành nhà thầu EPC của các nhà máy nhiệt điện, với công nghệ chắp vá, lạc hậu và tiến độ chậm như rùa vì thiết bị không đồng bộ, chưa kể chi phí sửa chữa rất lớn khi đưa vào vận hành.

Trợ giá cho nước giàu

Sự khủng hoảng thừa của thép, xi măng lại “ăn” trên sự bù lỗ vào giá than trong sản xuất điện. Chủ tịch HĐQT TKV Trần Xuân Hòa bức xúc: “Xuất khẩu thép, xi măng chính là xuất khẩu năng lượng rẻ mạt.
Đây là một vấn đề hết sức nguy kịch cho nền kinh tế. Dùng điện giá rẻ do được trợ giá từ than để cán thép xuất ra nước ngoài chẳng khác gì Việt Nam trợ giá cho nước giàu”.

 Đối với ngành xi măng, ông Hòa cho hay TKV bán cho ngành này 1 tấn than giá chỉ 1,5 triệu đồng, trong khi giá xuất khẩu loại than nay lên đến là 3 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, theo ông Hòa, suất đầu tư khai thác than đang ngày càng tăng do phải xuống sâu hơn…

Đồng tình với lãnh đạo TKV, một đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kêu: Trong bối cảnh thiếu điện trầm trọng như vài năm gần đây do hạn hán thì các nhà máy điện vẫn phải è lưng phục vụ “thượng đế” ngành thép và xi măng với lượng điện vượt sản lượng điện cả năm (theo thiết kế) của thủy điện Hòa Bình (8,6 tỉ KWh) và ngang bằng với sản lượng điện của thủy điện Sơn La khi đưa vào vận hành và chạy hết công suất.
Đại diện EVN cho hay năm 2010, giá điện bình quân bán cho hai ngành này chỉ 909 đồng/KWh, thấp hơn 50 đồng so với giá bình quân chung là 1.060 đồng/KWh và còn… thấp hơn cả giá thành khiến ngành điện thiệt hại tới hàng trăm tỉ đồng. 
Giải bài toán thép, xi măng, TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng cần áp mức giá bán điện cho hai ngành sản xuất này cao hơn mặt bằng chung, không thể cào bằng như hiện nay.
Tán đồng, ông Trần Xuân Hòa kiến nghị chính sách trợ giá, bù chéo của Chính phủ đối với các ngành công nghiệp nặng như thép, xi măng cần sớm thay đổi. Năm 2010, nếu chỉ tính mảng kinh doanh điện, EVN đã lỗ 22.500 tỉ đồng. Như vậy, nếu như ngành thép, xi măng (tiêu hao điện nhiều nhất) càng phát triển, càng xuất khẩu mạnh thì ngành điện, ngành than… càng lỗ nặng.

Nhiệt điện than chiếm 20% - 25%

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Vũ Viết Ngãi, cho biết hiện tại, nhiệt điện than chiếm khoảng 20% - 25% sản lượng điện cả nước.
Nếu tính hết công suất của cả 13 dự án nhiệt điện than của tổng sơ đồ quy hoạch điện VI mà EVN trả lại Chính phủ từ năm 2008 thì tổng sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than đóng góp vào sản lượng điện cả nước khoảng 50%.
Sẽ có một trong số 13 dự án điện trên đi vào hoạt động đúng năm 2015. Số còn lại sẽ vận hành từ năm 2016-2024.

Kỳ tới:  Tương lai… khó lường

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo