Ngày 29-6, Tổng cục Thống kê đã họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011. Số liệu này cho thấy mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm vẫn đạt được một số kết quả tích cực.
GDP tăng liên tục
Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội đều tốt: So với cùng kỳ năm ngoái, GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 5,57%, trong đó GDP quý I tăng 5,43%, quý II tăng 5,67% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7%, cao hơn so với mức tăng 8% của năm 2010. Nhập khẩu cho sản xuất và tiêu dùng vẫn tăng. Cụ thể, xuất khẩu 6 tháng ước đạt 42,3 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu ước đạt 49 tỉ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2010. Nhập siêu 6 tháng ước đạt 6,65 tỉ USD, bằng 15,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng rất cao với 13,29%, tăng 20,82% so với cùng kỳ năm 2010. GDP duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý với mức tăng quý sau cao hơn quý trước. An sinh xã hội có chuyển biến tích cực.
Đáng lưu ý là tỉ lệ lao động thất nghiệp không tăng mà còn giảm nhẹ so với bình quân 6 tháng trước.
Nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt
Trả lời câu hỏi của báo chí vì sao ghi nhận từ thực tế cho thấy sản xuất của cộng đồng DN và đời sống người dân đều rất khó khăn do lạm phát tăng cao nhưng các con số thống kê không phản ánh điều này? Ông Đỗ Thức cho rằng “bức tranh” kinh tế Việt Nam sáng sủa hơn so với dự báo là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Các giải pháp được đưa ra đều trúng với tình hình, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp - Tổng cục Thống kê, dẫn chứng thêm bằng số liệu kiểm tra DN vừa được tiến hành: Dự tính số DN gia nhập thị trường năm 2010 tăng 21,2% so với năm trước, bình quân 7 năm (2005-2011) tăng 20,8%. Vốn đầu tư trong khu vực DN năm 2011 tăng 34,7% so với năm trước và tăng 35,2% trong 7 năm trở lại đây. Về doanh thu, tăng bình quân 28% so với năm trước và dự kiến tăng 26%/năm trong 7 năm gần đây. “Số liệu này minh chứng hoạt động đầu tư phát triển trong khu vực DN Việt Nam vẫn ổn định và tăng, do các DN có quy mô nhỏ và vừa dễ ứng phó linh hoạt với hoàn cảnh khó khăn, có thể đóng cửa ở lĩnh vực này nhưng lại được thành lập ở lĩnh vực khác để duy trì sản xuất kinh doanh, giữ quan hệ với khách hàng.
Bình luận (0)