Tăng tính cạnh tranh
Giữa năm 2010, khi giá gạo xuất khẩu xuống mức thấp (giá gạo 25% tấm dưới 300 USD/tấn, giá lúa dưới 3.000 đồng/kg), Thủ tướng Chính phủ quyết đoán chỉ đạo mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo và can thiệp thị trường, không cho xuống thấp hơn giá thành, giúp nâng cao dần giá gạo Việt Nam. Bài học được rút ra là Chính phủ và VFA cần tự tin và chủ động có kế hoạch mua trữ khi giá gạo xuống thấp, duy trì giá gạo trong nước không cho giá thu mua xuống quá thấp nhằm tránh gây thiệt hại cho người trồng lúa. Đồng thời, cần cân nhắc đúng thị trường để lấy giá trong nước chi phối giá xuất khẩu thay vì lệ thuộc giá xuất khẩu không bình thường để điều hành giá trong nước.
Tăng giá trị xuất khẩu gạo để nông dân có lãi là bài toán cấp thiết hiện nay. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Ảnh: Quốc Dũng
Trước đây, các doanh nghiệp lương thực nước ngoài muốn kinh doanh gạo tại Việt Nam phải liên doanh với doanh nghiệp trong nước nhưng từ năm 2011, thị trường xuất khẩu gạo được mở ra cho cả nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ việc mở cửa. Hơn nữa, theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 của Chính phủ, từ ngày 1-10-2011, để có giấy chứng nhận được hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, phù hợp quy chuẩn chung và có ít nhất một cơ sở xay xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ. Các kho chứa, cơ sở xay xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, TP có lúa gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu lúa gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận.
Việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo, bên cạnh tác động làm gia tăng cạnh tranh đối với các doanh nghiệp kinh doanh gạo trong nước, cũng như làm xuất hiện những lo ngại về mất an ninh lương thực trong nước do xuất khẩu gạo quá mức thì có thể có tác động tốt đến việc cải thiện giá thu mua lúa gạo nguyên liệu của nông dân, cũng như có thể tạo xung lực mới tích cực cho hoạt động sản xuất và kinh doanh lúa gạo của Việt Nam.
Để hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam được nâng cao giá trị, mức lãi của nông dân tăng lên, ngoài bài học lớn về mua trữ nêu trên, trong trung và dài hạn, cần có quy hoạch vùng chuyên canh lúa ổn định, trung tâm của vùng hoặc của quốc gia, bảo đảm nguồn lúa cho ngành công nghiệp xuất khẩu gạo; tăng đầu tư công nghệ giống, công nghệ sau thu hoạch, kho trữ lúa gạo chuyên dùng để dự trữ lúa và bảo đảm chất lượng, xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng gạo xuất khẩu.
Đặc biệt, cần xây dựng chính sách hỗ trợ thích hợp cho nâng cấp quy trình, nâng cấp sản xuất và nâng cấp chuỗi có tính cạnh tranh cao; thúc đẩy đầu tư áp dụng công nghệ mới với quy mô và hiệu quả vượt trội; cải tiến quy trình thu mua và vận chuyển lúa gạo; hoàn thiện chính sách về đất đai, chấm dứt tình trạng thu đất đai của nông nghiệp không phục vụ phát triển công nghiệp mà phục vụ đầu cơ bất động sản. Chính phủ cần có chính sách đầu tư nâng cấp, xây dựng thêm một số cảng biển và đường giao thông tại khu vực phía Nam nhằm bảo đảm việc thu mua lúa gạo thuận lợi, nhanh chóng.
Trên thực tế, có thể tới 70% doanh nghiệp và cơ sở thu mua lúa gạo trong nước, nếu không có chiến lược tái cấu trúc và kinh doanh hợp lý thì sẽ rất dễ bị thâu tóm hoặc đẩy khỏi cuộc chơi bởi các nhà kinh doanh gạo nước ngoài có sức cạnh tranh cao hơn cả về năng lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm và có được nguồn vốn đầu vào rẻ. |
Bình luận (0)