* Phóng viên: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa ra phán quyết cuối cùng về khiếu kiện của Việt Nam trong vụ kiện Mỹ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam vào nước này. theo đó, xem như chúng ta đã thắng kiện?
- TS Nguyễn Hữu Dũng: Thực ra, chúng ta mới giành được 50% thắng lợi. Bởi phán quyết của Ban Hội thẩm WTO căn cứ từ hai điểm sai của Mỹ. Thứ nhất, Mỹ áp dụng phương pháp quy về 0 (zeroing) để tính thuế chống bán phá giá là vi phạm quy định của WTO. Đây là khiếu kiện trọng tâm của Việt Nam vì việc sử dụng phương pháp này đã tạo ra biên độ phá giá lớn cho sản phẩm, làm mức thuế bị đội lên, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Thứ hai, WTO nêu rõ Mỹ sử dụng kết quả tính theo phương pháp quy về 0 để tính mức thuế suất chung trong các đợt rà soát lần 2 và lần 3 cũng trái với quy định của WTO.
Tuy nhiên, phán quyết của WTO chỉ khẳng định không xem xét lần rà soát thứ 4 và 5 cũng như xem xét đến cuối kỳ. Đây là một điểm không có lợi cho Việt Nam, vì như vậy sẽ không thay đổi được kết quả rà soát lần 4, 5 và đặc biệt là rà soát cuối kỳ. Vì thế, chúng tôi khẳng định mới thắng kiện được 50%.
- Việt Nam thắng kiện hoàn toàn ngay lúc này là khó nhưng chúng ta sẽ từng bước theo đuổi vụ kiện. Bước đầu, phía Mỹ chịu bỏ áp dụng phương pháp quy về 0 để tính thuế chống bán phá giá là thắng lợi rất lớn, có tính mở đường cho các vụ kiện sau này. Việt Nam thắng kiện sẽ làm tăng mạnh khả năng cạnh tranh của tôm đông lạnh Việt Nam trên thị trường Mỹ do không phải đặt cọc tiền thuế chống bán phá giá; các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ thoát hoàn toàn khỏi thuế chống bán phá giá do 3 lần rà soát liên tục của phía Mỹ có kết quả 0%.
* Vụ thắng kiện này đem lại bài học gì cho các vụ kiện hàng Việt Nam bị ép chống bán phá giá của các nước khác?
- Đây là vụ đầu tiên Việt Nam sử dụng quyền là thành viên của WTO. Qua theo đuổi vụ kiện tôm, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học cụ thể từ việc nắm rõ quy định pháp lý quốc tế, thuê luật sư, tổ chức theo đuổi vụ kiện… Nhưng bài học lớn nhất được rút ra đối với các vụ khiếu kiện quốc tế là chúng ta cần có quyết tâm cao từ cấp Chính phủ đến các doanh nghiệp và người dân; kiên trì và phải biết người, biết ta.
Dễ vào thị trường Mỹ hơn Theo VASEP, mức thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam được ấn định từ 4,13% - 25,76%. Mức thuế này thường cao hơn rất nhiều so với cách tính thông thường theo quy định của WTO, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. VASEP cho rằng chưa thể khẳng định kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ tăng lên sau phán quyết thắng kiện này nhưng sẽ giúp các đơn vị nhập khẩu Mỹ mạnh dạn mua bán với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian tới. Vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam và 11 nước khác được Mỹ khởi động từ năm 2003. Với lý do Việt Nam chưa phải là nền kinh tế thị trường (theo cam kết gia nhập WTO), Mỹ không chấp nhận các mức giá (giá thành sản xuất, giá bán tại thị trường nội địa) do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp mà sử dụng giá tham khảo tại một nền kinh tế thị trường có mức độ phát triển tương đương Việt Nam. |
Bình luận (0)