Sức hút của Cánh đồng bất tận không phải là những cảnh “nóng” trong phim. Ảnh do Công ty BHD cung cấp
Lấy cảnh sex, “tươi mát” quảng cáo
Chưa công chiếu thì hình ảnh về phim đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, trong đó yếu tố sex, gây sốc chiếm phần lớn tỉ lệ thông tin. Rõ ràng, ở một góc độ nào đó, bộ phim có yếu tố sex luôn đạt được thành công bước đầu về mặt dư luận. Các nhà làm phim cũng luôn biết cách sử dụng tối đa sự “nhạy cảm” này để quảng bá cho phim.
Bộ phim Trung úy của đạo diễn Hà Sơn sau 3 năm vẫn chưa có cơ hội ra rạp nhưng có bao nhiêu cảnh “nóng”, mức độ hở như thế nào của diễn viên Quách An An thì khán giả cũng đều có thể biết. Không thấy những thông tin về điều kiện làm việc khắc nghiệt ở miền núi như thế nào, những dấn thân gian khổ của các diễn viên cho bộ phim ra sao, chỉ thấy yếu tố nổi bật nhất của Trung úy là sex. Nhắc nhiều đến mức có khán giả trên diễn đàn hình dung Trung úy như là một “quả bom sex” sắp nổ tung màn ảnh.
Bộ phim Hotboy nổi loạn (Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt) của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng vậy, chuyện đồng tính nam cùng những hé lộ cảnh “nóng” giữa hai diễn viên Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa hay chuyện ca sĩ Phương Thanh có cảnh “nóng” cũng được khai thác thường xuyên. Chưa biết nội dung phim thực sự mang giá trị như thế nào và ý tưởng ấp ủ của đạo diễn ra sao nhưng không ít khán giả đã bị “ám” và cho rằng Hotboy nổi loạn lại là một kiểu phim khai thác yếu tố sex để câu khách.
Nhiều phim khác cũng vậy, thông tin các diễn viên đóng cảnh “nóng” đã được các nhà sản xuất khéo léo tung ra. Đạo diễn được dịp trả lời lấp lửng, diễn viên thay phiên nhau “úp mở” cảnh “nóng” trên phim. Đến mức trở thành thói quen, cứ một dự án phim mới được giới thiệu là y như rằng khiến công chúng tò mò truy tìm xem có cảnh “nóng” hay không. Chính điều này đã vô tình làm “điểm tựa” để các nhà làm phim cố tình thêm thắt vào phim cảnh “nóng”, nhạy cảm như một “gia vị” tất yếu.
Cũng vì dư luận quá quan tâm đến cảnh sex nên yếu tố này bao giờ cũng được tận dụng để quảng bá bộ phim, vô tình tạo nên một “bộ mặt sốc, sex” cho điện ảnh Việt.
Cần đề cao giá trị thật
Đạo diễn Phan Đăng Di từng lên tiếng bảo vệ những cảnh “nóng” mà theo anh mang “giá trị nghệ thuật” trong bộ phim Bi, đừng sợ! của mình khi khán giả cho rằng bộ phim đã khai thác yếu tố sex quá trần trụi và phản cảm. Nhưng rõ ràng, ngoài những cảnh mà đạo diễn cho là cần thiết, cũng có nhiều cảnh “tươi mát” khó được chia sẻ. Đó là chưa nói đến những cảnh quay diễn viên lõa thể trên giường không cần che đậy các chỗ kín với thời lượng kéo dài không cần thiết đã bị Hội đồng Duyệt phim quốc gia yêu cầu cắt bỏ trước khi công chiếu tại Việt Nam.
Trong những cảnh “nóng” không mang lại giá trị gì cho người xem thì sự “hy sinh” của diễn viên tham gia trong đó trở thành vô nghĩa.
Cũng khai thác cảnh “nóng” nhưng các phim Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh), Dòng máu anh hùng (Charlie Nguyễn), Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Sống trong sợ hãi (Bùi Thạc Chuyên), Trái tim bé bỏng (Nguyễn Thanh Vân), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Phan Quang Bình)… không bị dư luận phê phán. Yếu tố “nóng” trong những tác phẩm điện ảnh này cũng không được tận dụng để quảng bá cho phim. Như vậy, có thể thấy rằng công chúng vẫn chấp nhận yếu tố sex được khai thác trong phim, nếu điều đó là thật sự cần thiết.
Diễn viên Hạnh Thúy cho biết: “Thời tôi đóng phim Sống trong sợ hãi, cảnh “nóng” trong phim không hề bị lợi dụng để quảng bá nên diễn viên hoàn toàn an tâm, không sợ bị rò rỉ thông tin. Đạo diễn cũng vô cùng cân nhắc cảnh quay có thật sự cần thiết hay không chứ không phải cố tình tìm cách thu hút khán giả. Tôi thấy cảnh “nóng” trong các phim điện ảnh ngày trước cũng coi trọng phục vụ giá trị cho phim chứ không phải là kiểu khai thác dễ dãi như bây giờ”.
Khi yếu tố sex gần như bị lạm dụng, đánh đồng giữa nghệ thuật và thương mại, diễn viên dễ bị cuốn vào vòng xoáy này mà đôi lúc không nhận ra mình đang “hy sinh” cho mục đích gì.
Với những kịch bản phim luôn đan lồng cảnh “nóng”, diễn viên chỉ có thể hoặc là làm theo yêu cầu đạo diễn hoặc là từ chối vai diễn. Dương Trương Thiên Lý bỏ vai trong phim Trần Thủ Độ cũng vì không thể thực hiện những cảnh quay “nóng” ngoài sức tưởng tượng của mình.
Đôi khi trở thành điểm trừ Nhiều đạo diễn vẫn lý giải yếu tố sex được đan cài vào phim luôn nhằm mục đích nâng cao những giá trị khốc liệt, phơi bày cuộc sống thật và những ẩn uất của nhân vật. Sự chắt lọc đôi khi giúp bộ phim trụ vững được giá trị thật sự. Cảnh “nóng” thu hút sự chú ý nhưng sẽ trở thành điểm trừ nếu không làm tăng giá trị của bộ phim. Minh chứng là cảnh yêu đương của hai nhân vật Bách Du và Nguyên Xuân (do Thanh Thức và Ngân Khánh đóng) trong phim Khi yêu đừng quay đầu lại bị chê là… xấu và lạc điệu; cảnh các nhân vật mặc đồ tắm chạy trên sân cỏ trong phim Đẹp từng centimet bị cho là vô duyên; nhiều cảnh trong phim Bi, đừng sợ! bị lên án là thừa thãi, lạc lõng... Chính vì không phải cảnh “nóng” nào cũng thật sự cần thiết cho phim nên công chúng điện ảnh mới nghĩ rằng yếu tố sex, thoáng đang được khai thác chỉ nhằm mục đích câu khách. Hệ lụy là diễn viên đóng cảnh “nóng” phải chịu cảnh làm dâu trăm họ, hứng chịu đủ những lời chê bai, phán xét của dư luận. |
Bình luận (0)