Trong những ngày qua, người nhà của các thuyền viên liên tục phản ánh đến Báo Người Lao Động về việc người thân của họ đang mắc nạn trên tàu Seahome Sapphire thuộc Công ty TNHH Vận tải biển Gia Hải (trụ sở trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh-TPHCM) neo tại cảng Male của Maldives.
Theo đơn kêu cứu, 13 thuyền viên người Việt Nam, 5 thuyền viên người Myanmar và 1 thuyền viên người Ấn Độ đang bị “giam lỏng” tại đây hơn 3 tháng nay. Ngoài ra, hợp đồng lao động ký kết với các thuyền viên từ tháng 10-2010 nhưng Công ty Gia Hải chỉ trả lương được 2 tháng, từ tháng 12-2010 đến nay các thuyền viên không được nhận lương. Doanh nghiệp này cũng không trả tiền ăn cho thuyền viên từ tháng 1-2011 đến nay. Trong khi đó, đại lý tại Maldives, hải quan, cảng vụ không cho thuyền viên nhập cảng vì tàu gặp khó khăn về tài chính nên thuyền viên trên tàu rơi vào cảnh thảm hại hơn.
Bà Lê Thị Tuyết Hoa, mẹ của thuyền viên Nguyễn Trần Anh, cho biết: “Sáng 19-7, tôi liên hệ qua điện thoại với con thì được biết hiện điều kiện sinh hoạt trên tàu rất khó khăn, thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống và dầu DO. Hiện con tôi và các thuyền viên phải sống bằng lượng lương thực, nước uống cầm chừng và phải câu cá để giải quyết bữa ăn hằng ngày”. Cũng theo bà Hoa, trước đó đại diện Công ty Gia Hải có liên lạc và thỏa thuận giải quyết trả trước một tháng lương cho thuyền viên trên tàu nhưng có người đồng ý, người không nên tàu không thể rời cảng.
Trưa 19-7, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với ông Vũ Quang, Giám đốc Công ty Gia Hải, ông Quang cho biết đúng là công ty đang rơi vào tình trạng rất khó khăn và đang nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đối tác của công ty ở Thái Lan để cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm cho các thuyền viên. Tuy nhiên, do tàu nằm ở vị trí trên một hòn đảo ở Ấn Độ Dương nên việc chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống gặp nhiều khó khăn. “Cố gắng trong tháng 7 phải giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến tàu Seahome Sapphire”- ông Quang khẳng định.
Theo ông Quang, cách đây một tháng, công ty đã đề nghị trả trước cho các thuyền viên 2 tháng lương và sẽ di chuyển đến cảng tiếp theo để đưa thuyền viên về nước bằng máy bay, 6 thuyền viên nước ngoài đồng ý nhưng các thuyền viên Việt Nam không chịu và yêu cầu phải trả đủ lương. Trong nỗ lực của mình, hiện Công ty Gia Hải đang nhờ các đối tác nước ngoài vận động, thuyết phục, còn nếu thuyền viên kiên quyết thì tình hình sẽ rơi vào bế tắc.
Bình luận (0)