xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ước mơ nhọc nhằn

Bài và ảnh: THU HỒNG

Bất chấp cuộc mưu sinh bữa đói, bữa no, họ vẫn quyết không để con mình thất học. Những đứa trẻ lớn lên trong bao vất vả nhọc nhằn ấy vẫn ngày ngày nuôi dưỡng ước mơ đến trường

Thật khó tìm ra căn nhà của chị Kiều Thị Ánh Liên nếu không có người dẫn đường, bởi nó nằm giữa những ngôi mộ dày đặc trong nghĩa trang Sòng Sơn (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân - TPHCM).
Đi loanh quanh hồi lâu, đến khi nghe tiếng chó sủa inh ỏi, người dẫn đường mới dừng lại, bảo tôi: “Đến rồi. Nhà mẹ con chị Liên kìa!”.

Lớn lên sẽ là bác sĩ, giám đốc…

Một người đàn bà khắc khổ, khô đét, xanh xao bước ra chào khách. Mới 38 tuổi nhưng trông chị Liên như đã ngoài 45. Nghe có khách, ba đứa con của chị cùng dắt chú chó Vàng tíu tít chạy lại chào.

Chúng tôi theo Kiều Minh Phúc (14 tuổi), con lớn của chị Liên, cùng 2 em của cậu là Kiều Minh Vũ (11 tuổi) và Kiều Minh Tuấn (3 tuổi) ra khu gò mả gần nhà, nơi ba đứa thường chơi đùa.
Phúc bẻ được cây mía non trên một ngôi mộ, mang về tỉ mỉ chặt thật nhỏ, chia cho 2 em. Đứa nào cũng thòm thèm, ăn rất ngon miệng.
Nhìn các con, chị Liên cười như mếu: “Mía mọc trên mồ mả, ăn không tốt nhưng nhìn chúng ăn ngon vậy, nỡ nào ngăn lại”. Ăn mía xong, chúng lại dắt con Vàng ra sau góc mộ chơi đùa.
Căn nhà của 4 mẹ con chị Liên, nói như người dẫn đường, là “những mảnh ghép yêu thương của bà con xóm giềng”.
Những ngày chị mới đến đây tìm nơi tá túc, thấy người đàn bà còm nhom một nách 3 con nhỏ, lại mang trong người bệnh thiếu máu, suy nhược, hàng xóm mỗi người một tay giúp đỡ. Người mái tôn, người tấm bạt, người miếng ván…
“Chắc tôi sống chân tình nên được bà con thương. Người đến viếng mộ thấy gia đình tôi khó khăn cũng thường kêu dọn cỏ, trồng hoa…, nhờ vậy mỗi ngày tôi kiếm cũng được vài chục ngàn đồng lo bữa ăn cho các con”- chị cho biết.
Đang trò chuyện thì trời chuyển mưa. Chị Liên đứng ngồi không yên. Nghe tôi thắc mắc, chị rầu rĩ: “Nhà dột nát, cột kèo lại yếu, mỗi khi trời mưa tạt ướt hết nên mấy mẹ con phải chạy sang nhà hàng xóm trú nhờ”.

img

Ngày ngày, chị Cúc chở con đi bán vé số, bữa đói, bữa no  nhưng vẫn “chơi ngông”: Cho con học bán trú tại ngôi trường tốt nhất của xã

Năm 2006, trốn chạy người chồng lúc nào cũng say xỉn rồi giở thói vũ phu, từ Trà Vinh, chị dắt con đến Bình Phước ở nhờ nhà mẹ ruột.
Để có tiền nuôi con nhỏ, chị phải làm thuê, làm mướn đủ việc, từ giặt đồ, làm vườn, cắt lúa đến giữ trẻ... “Cực mấy tôi cũng chịu, cốt để đắp đổi 3 bữa cơm cho bọn trẻ”- chị nhớ lại.
Ở Bình Phước cũng không được lâu, vì người em bị bệnh tâm thần mỗi khi lên cơn lại lôi mấy đứa nhỏ ra đánh đập, chị lại dắt díu các con lên TPHCM. Được một người quen giới thiệu, chị đến ở nhờ mảnh đất nhỏ nằm giữa nghĩa trang Sòng Sơn.
Nếu cuộc đời chị Liên chỉ có vậy thì cũng không có gì đáng nói. Tôi đã thật sự ngỡ ngàng rồi mến phục chị khi biết trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, chị quyết không để các con thất học.
Chị đã lặn lội khắp nơi tìm ngôi trường học phí thật rẻ để gửi con vào nhưng thật khó. Nhờ hàng xóm chỉ dẫn, chị gửi con vào Trường Tình thương Thiên Ân ở phường Bình Hưng Hòa A học miễn phí. “Nhờ vậy, thằng Phúc năm nay đã lên lớp 3, còn thằng Vũ lớp 1”- chị khoe.
Nghe nói đến việc học, Phúc buông con Vàng ra, đến gần hóng chuyện. “Nó ham học lắm, đêm nào cũng làm bài tới khuya, cúp điện thì đốt đèn cầy, không chịu ngủ”- chị nhìn con âu yếm.
“Cháu học có giỏi không?”- tôi gợi chuyện. Phúc lại góc giường lôi ra chiếc cặp nhàu nát, giở vở khoe những bài điểm 9, điểm 10, mắt sáng rực: “Con ráng học để mai mốt làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ, cho các em và nhiều người”.
Vũ có vẻ nhút nhát, cứ nép ở góc nhà. Khi tôi hỏi: “Lớn lên cháu muốn làm gì?”, Vũ cười ngại ngùng: “Con muốn làm giám đốc”, rồi bẽn lẽn chạy vụt ra ngoài, bỏ lửng câu hỏi của tôi: “Tại sao con ước mơ làm giám đốc?”. Chị Liên cười, giải thích: “Có lẽ nó chưa hiểu làm giám đốc là làm gì đâu, chỉ biết điều đó rất khó đạt được và cao sang lắm”.
Nắm chặt tay tôi, chị thổ lộ: “Trên đời chắc ai cũng có ước mơ, người giàu ước mơ cao xa, người nghèo ước mơ giản dị. Tôi chỉ ước được mạnh khỏe, sống lâu để làm lụng nuôi các con ăn học, bởi đứa nào cũng thích được đến trường”.

Chị bán vé số “chơi ngông”

Đều đặn mỗi ngày, cứ 5 giờ, người ta lại thấy 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Kim Cúc đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ ra chợ Đông Thạnh, huyện Hóc Môn - bán vé số.
Mặc nắng, mặc mưa, cô bé mới 2 tuổi Nguyễn Ngọc Bảo Nghi và cậu anh 6 tuổi Nguyễn Công Hậu cũng phải cùng mẹ đi khắp các hẻm chợ vì cuộc mưu sinh. Sáng, họ bồng bế nhau đi, trưa về nhà ăn cơm, chiều lại quày quả đi lấy vé số bán tiếp...
Nghèo khó, thậm chí thường xuyên phải sống bằng mớ rau, ký gạo do hàng xóm giúp đỡ, vậy mà chị Cúc “chơi ngông” đến mức cả xóm ai cũng nể phục: Dám cho con học bán trú tại ngôi trường tốt nhất của xã Đông Thạnh, với học phí 700.000 – 800.000 đồng/tháng!
Thấy chị Cúc chạy vạy tất tả mỗi khi đến hẹn đóng tiền trường, người ta lại khuyên chị nên cho con nghỉ học hoặc chuyển sang học phổ cập ban đêm. Thế nhưng, chị lắc đầu nguầy nguậy: “Còn sức là tôi còn cho con học ở đó!”.
Trong căn nhà cấp 4 nằm trơ trọi cuối con hẻm không tên thuộc ấp 1, xã Đông Thạnh của chị Cúc chẳng có gì đáng giá. “Tài sản quý nhất của tôi nè”- chị Cúc chỉ những quyển tập, cuốn sách của bé Hậu được đặt ngay ngắn trên bàn, nửa đùa nửa thật.
Có lẽ ngoài “tài sản” ấy, thứ đáng giá duy nhất trong nhà là chiếc xe đạp để mưu sinh mà chị dựng nâng niu trong góc. Trên nền nhà, hai anh em Hậu đang say sưa chơi những món đồ vừa nhặt được đâu đó - một con ốc và 2 vỏ sò. Tôi hỏi Hậu có thích đi học không, cu cậu gật đầu cười khoái chí.

Cuộc đời chị Cúc chất đầy bất hạnh. “Tôi sinh ra khác với nhiều đứa trẻ khác - được cha mẹ đón nhận trong yêu thương, tôi bị gia đình bỏ lại sau khi vượt cạn ở bệnh viện. Sau đó, tôi được một người quê miền Bắc nhận làm con nuôi. Năm 2005, tôi lấy chồng. Cuộc sống khốn khó khiến anh không chịu nổi nên đã bỏ đi, để tôi bơ vơ với cái bụng bầu vượt mặt và cậu con trai vừa tròn 4 tuổi. Tôi phải lao vào cuộc mưu sinh với đủ thứ nghề, từ may vá, làm thuê, làm mướn đến bán vé số để lo cho con”- chị buồn bã.

Tạm “trụ” được với nghề bán vé số, ngày ngày, chị và 2 con lại đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ ra chợ Đông Thạnh mưu sinh. Số tiền kiếm được cũng giúp 3 mẹ con chị tạm đắp đổi qua ngày nhưng khổ nhất là mỗi lần đến lượt đóng học phí cho Hậu, phải chạy vạy khắp nơi.
Nhìn người đàn bà khắc khổ, quê mùa, không biết lấy một chữ nhưng vẫn ấp ủ ước mơ được cho con đến trường mỗi ngày, chúng tôi thực sự khâm phục.
“Nghèo khổ cũng phù du thôi, quan trọng là tương lai tụi nhỏ, phải vun đắp cho chúng. Vì vậy, bằng mọi giá tôi phải lo cho con ăn học đến nơi đến chốn”- chị bộc bạch.

“Con thích đi học”

Trong tận cùng nghèo khó và tuyệt vọng, chị Hoàng Thị Huế (quê Thanh Hóa) phải lao vào cuộc mưu sinh, đành gác lại giấc mơ học hành của con cái. Tôi tình cờ gặp 3 mẹ con chị vào một đêm khi đi làm về. Đã 22 giờ, chị bế đứa con 2 tuổi tất tả cuốc bộ cùng cậu con trai 9 tuổi đi hơn 10 km từ chợ Hoàng Hoa Thám - quận Tân Bình về nơi trọ ở chợ Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh - TPHCM.

Người dân sống quanh cây xăng Thanh Phúc (ngã tư Trường Chinh – Phạm Văn Bạch), chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Hiệp Thành, quận 12… không ai lạ gì mẹ con chị Huế.
Chị bế đứa bé đen nhẻm vừa bán vé số vừa nhặt ve chai; còn đứa con lớn Lê Viết Thành bán vé số. Năm 2002, một cơn bão dữ khiến nhà sập đổ, chồng chị bị cây rơi trúng đầu, đến giờ vẫn nửa điên nửa tỉnh.
img
Thành cùng mẹ và em gái bán vé số ở chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình – TPHCM. Cậu vẫn không thôi mơ ước được đến trường
Năm đó, vợ chồng chị từ Thanh Hóa bồng bế con vào TPHCM, tá túc tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.

Vào đời mưu sinh quá sớm khiến Thành không lớn nổi. Đã 9 tuổi nhưng cậu nói ngập ngừng, tiếng được tiếng mất. Vậy mà khi trò chuyện với tôi, Thành bảo ước mơ lớn nhất của cậu là được đến trường như bao bạn đồng trang lứa. “Đi học… vui lắm… Con thích… đi học”- Thành ngập ngừng. Nhìn con, chị Huế buồn bã: “Hôm nào ở nhà là nó theo mấy đứa nhỏ đến trường, đứng ngoài hàng rào nhìn lén vào lớp học. Biết con ham học nhưng hoàn cảnh thế này, tôi đành chịu thôi”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo