xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chạy trời không khỏi… trạm thu phí

Xuân Hoàng – Nhật Minh – Như Phú

Người đi đường bị bủa vây bởi mạng lưới trạm thu phí dày đặc, cứ một đoạn đường ngắn lại phải… móc ví trả tiền phí

Đồng Nai - Bình Dương - TPHCM là tam giác đóng vai trò đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, giới tài xế đi qua “tam giác” này đều rầu rĩ vì phải móc ví đóng tiền phí… mỏi tay!
 
Khi sơ đồ mạng lưới trạm thu phí ở “tam giác” này hiện ra, chúng tôi mới thấu hiểu lời phàn nàn của cánh tài xế khi phải trả tiền phí cho “ma trận” trạm thu phí.  

Đồng Nai: Trạm thu phí san sát

Bao vây xung quanh địa bàn TP Biên Hòa là hàng loạt trạm thu phí “chốt chặn” trên các tuyến quốc lộ 1A, 1K, 51, 20 và cả các tuyến tỉnh lộ, nội thành. Có chỗ các trạm thu phí tập trung san sát, cách nhau chỉ khoảng 2-3 km.
 
Tại bùng binh Cầu Mới (xã Hóa An, TP Biên Hòa) đi thẳng theo Quốc lộ 1K về TPHCM, người đi đường “giáp mặt” một trạm thu phí thuộc phường Bửu Hòa. Từ bùng binh rẽ trái sẽ đụng ngay hai trạm thu phí thuộc xã Hóa An và xã Tân Vạn.
 
Đó là chưa kể một số trạm thu phí khác thuộc các đường nhánh bao quanh khu vực như Tỉnh lộ ĐT 760, Tỉnh lộ ĐT 743, đường Đồng Khởi bủa vây. Trên Quốc lộ 51 đi về thị xã Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), người dân phải móc ví trả tiền cho trạm thu phí xã Tam Phước (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trước khi gặp các trạm thu phí khác thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
Trên Quốc lộ 20, từ Quốc lộ 1A - ngã tư Dầu Giây hướng lên huyện Định Quán, tài xế cũng phải nộp tiền cho hai trạm thu phí.
 
img
Hai trạm thu phí nằm cách nhau khoảng 500 m trên Tỉnh lộ 16 thuộc TP Biên Hòa,
tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NHƯ PHÚ
 
Theo thống kê của chúng tôi, chỉ trong khu vực TP Biên Hòa nhỏ hẹp đã có đến 11 trạm thu phí liên tiếp nhau chốt chặn tất cả các ngả đường.
 
Anh Nguyễn Văn Hùng, một tài xế chuyên chạy xe theo nhiều tuyến tại Đồng Nai ra các tỉnh lân cận, bức xúc: “Quá bực mình, khi cứ đi một chốc lại phải móc ví mua vé, tốn rất nhiều tiền lại mất thời gian, nhiều lúc muốn tìm đường tránh nhưng tránh trạm này lại gặp trạm kia, thật là… chạy trời không khỏi nắng!”.

Bình Dương: Đại “ma trận”

So với tỉnh Đồng Nai, trạm thu phí ở tỉnh Bình Dương cũng không kém phần “nhộn nhịp”. Đáng kể nhất là 2 “ma trận” trạm thu phí ở khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai mà giới tài xế mỗi lần qua đây đều… điếng hồn!

“Ma trận” thứ nhất nằm ở khu vực ngã ba Bình Thung. Trong bán kính chưa đầy 7 km đã có đến 4 trạm thu phí, gồm: Trạm Bình Thung (dự án BOT ĐT 743), trạm trên Quốc lộ 1K (thuộc phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa), trạm trên Quốc lộ 1K (thuộc xã Đông Hòa, thị xã Dĩ An) và trạm Bình Thắng.
 
“Ma trận” trạm thu phí thứ hai là đoạn tiếp nối giữa đường ĐT 743 (thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với Tỉnh lộ 16 (thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
 
Trên 6 km nối thẳng này có tới 4 trạm thu phí, trong đó có một trạm đặt trên đường ĐT 743, 3 trạm còn lại đặt trên Tỉnh lộ 16 (do Công ty TNHH Cường Thuận quản lý). Đặc biệt, trong số này có 2 trạm của Công ty TNHH Cường Thuận nằm đối diện nhau, ở giữa là vòng xoay Hóa An!
 
Điều đáng nói là hai “ma trận” trạm thu phí này lại nằm sát nhau, thông nhau bằng Quốc lộ 1K làm thành một “đại ma trận” với 8 trạm thu phí. Đó là chưa kể các trạm thu phí nằm trên Quốc lộ 13 nối tỉnh Bình Dương và TPHCM.
 
Từ cầu Bình Triệu 1 đến thị xã Thủ Dầu Một chỉ dài khoảng 30 km nhưng có đến 3 trạm thu phí, một trạm nằm trên địa bàn TPHCM và 2 trạm thu phí Lái Thiêu và Suối Giữa nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tài xế xe tải nhẹ Trần Hành Nghĩa nói: “Tôi vận chuyển hàng một tháng cũng mất chục triệu đồng tiền đóng phí!”.

TPHCM: Siết chặt vòng vây

Tuy không dày đặc như hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nhưng các trạm thu phí ở TPHCM đều nằm trên những tuyến đường cửa ngõ khiến các xe không thể nào… trốn thoát.
 
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 6 trạm thu phí, gồm: An Sương – An Lạc, Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 1 – Quốc lộ 13, cầu Phú Mỹ.
 
Các xe đi về miền Tây theo hướng Quốc lộ 1A sẽ “dính” trạm thu phí An Sương – An Lạc, nếu đi theo đường Kinh Dương Vương để ra Quốc lộ 1A thì “dính” trạm thu phí trên tuyến đường này.
 
Ở hướng Đông Bắc, hàng ngàn lượt xe vào mỗi ngày trên xa lộ Hà Nội đều phải nộp phí tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội. Các xe đi theo xa lộ Hà Nội, rẽ qua cầu Phú Mỹ, vào đường Nguyễn Văn Linh để ra Quốc lộ 1A đều bị “dính” trạm thu phí cầu Phú Mỹ, sau đó tiếp tục móc ví trả tiền phí trên trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh.
 
Ở hướng Bắc, các xe đi vào TPHCM phải mở hầu bao đóng phí cho trạm thu phí dưới chân cầu Bình Triệu 1. Chưa hết, mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP (CII) còn xin Sở GTVT xem xét việc đặt thêm một trạm thu phí ngay dưới chân cầu Bình Triệu 2 để tiến hành thu phí hai chiều nhằm hoàn vốn theo như hợp đồng BOT đã ký với UBND TP của dự án cầu đường Bình Triệu 2.
 

Đóng phí… mệt nghỉ!

Sắp tới, khi hầm dìm Thủ Thiêm chính thức được đưa vào hoạt động, xe cộ lại bị thu phí một lần nữa tại hầm dìm Thủ Thiêm khi chọn tuyến đại lộ Đông Tây – hầm Thủ Thiêm – đường Võ Văn Kiệt để đi về miền Tây.
 
Như vậy, các xe từ Bình Dương, Đồng Nai đi vào xa lộ Hà Nội, rẽ vào đại lộ Đông Tây để đi về miền Tây có thể sẽ phải đóng 2 lần tiền phí. Nếu không chọn lộ trình này mà đi bằng cầu Phú Mỹ thì vẫn phải đóng phí 2 lần tại trạm thu phí cầu Phú Mỹ và đường Nguyễn Văn Linh. Do đó, việc của tài xế là “thích” và chọn đi lộ trình nào, còn chuyện đóng phí là như nhau!
 
Kỳ tới: Người dân lãnh đủ
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo