Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Tôi cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một tác phong điều hành quyết liệt, luôn hướng thẳng vào mục tiêu tiếp tục đổi mới thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung điều hành quyết liệt thì sẽ thành công.
Thay mặt cộng đồng doanh nhân, tôi mong rằng Thủ tướng cùng với Chính phủ khóa mới cần tiếp tục tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cụ thể, cần có một hệ thống, thể chế, chính sách thực sự tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân và thúc đẩy sự hội nhập. Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xem đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Việc kiên định những nguyên tắc trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô là xác đáng nhưng Chính phủ cũng cần vận dụng linh hoạt trong việc thực hiện giải pháp.
Đại biểu Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
Kiên định 6 nhóm giải pháp
Tôi hoàn toàn đồng tình với bản báo cáo ý kiến thảo luận của đại biểu QH về bầu chức danh Thủ tướng mà Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đọc trước QH.
Đây là những ý kiến xác đáng, rất xây dựng và sắc sảo khi đánh giá về điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng cũng chỉ đạo phải kiên định 6 nhóm giải pháp và tiến hành đồng bộ các chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội… Tôi cho rằng giải pháp như vậy là đúng hướng nên cần kiên định thực hiện.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam):
Kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền
Tôi tin với kinh nghiệm rút ra khi sang nhiệm kỳ thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ điều hành Chính phủ tốt hơn. Thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc như cử tri rất mong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là ưu tiên hàng đầu vì giải quyết được vấn đề này sẽ làm an lòng người dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ vừa qua đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, có tâm huyết và bản lĩnh trong những vấn đề rất khó khăn như quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng vốn Nhà nước, quản lý các tập đoàn kinh tế...
Tới đây, tôi mong muốn Thủ tướng tiếp tục rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các bộ-ngành, các thành viên Chính phủ để không chồng chéo nhằm trong một việc chỉ có một ngành, một bộ hay một người chịu trách nhiệm chính.
Là một đại biểu thuộc tỉnh duyên hải miền Trung, tôi rất mong đất nước phát triển kinh tế biển, đặc biệt gắn với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Muốn vậy, chúng ta phải tăng cường đầu tư cả con người và phương tiện; chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng cũng phải khẳng định sẽ chiến đấu để giữ vững chủ quyền.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang):
Đầu tư nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Tôi trông đợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chính phủ khóa mới sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, nông nghiệp có sự phát triển nhưng một số vấn đề chưa đồng bộ trong sự phối hợp giữa 4 nhà: Nhà nước-nhà nông-nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Sắp tới, cần phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà này với sự điều hòa, quản lý Nhà nước để hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Chính phủ đã đầu tư khá lớn cho nông nghiệp nhưng so với tiềm năng vẫn còn giới hạn. Nếu chúng ta đầu tư nhiều hơn thì tôi tin rằng nông nghiệp sẽ còn phát triển.
Thủ tướng là người cầm lái “con thuyền” Chính phủ nên cần lãnh đạo hiệu quả để đưa Chính phủ hoạt động tốt hơn. Chính phủ cần tăng cường hơn nữa sự quản lý Nhà nước, nhất là các bộ-ngành chức năng vì việc quản lý đối với nông nghiệp, chăn nuôi còn nhiều mâu thuẫn.
Tôi tin chắc rằng sắp tới, Chính phủ sẽ quan tâm mạnh hơn nữa trong việc tổ chức lực lượng đánh bắt xa bờ để ngư dân có điều kiện hợp tác với nhau ngoài biển khơi. Như vậy, vừa bảo đảm an toàn vừa đánh bắt có hiệu quả.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị:
Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển
Đề nghị Chính phủ cần thay đổi mạnh mẽ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đặc biệt là chính sách về vốn cho doanh nghiệp với mức lãi suất phù hợp, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để doanh nghiệp có điều kiện phát triển, khai thông thị trường...
Chính phủ điều tiết mức lãi suất cho vay từ 15% trở xuống thì doanh nghiệp mới bảo đảm kinh doanh có lãi, còn lãi suất trên 20% như hiện nay là quá cao.
Bình luận (0)