Du khách tham quan một cơ sở nuôi gấu chích hút mật ở Hạ Long
Đến TP Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh chỉ vài tháng sau khi Tổng cục Du lịch có công văn gửi các sở văn hóa - thể thao và du lịch cùng các công ty du lịch nghiêm cấm tổ chức loại hình “du lịch mật gấu”, chúng tôi cứ nghĩ việc mua mật gấu sẽ chẳng đơn giản.
Thế nhưng, trong vai một du khách tìm mua mật gấu, chúng tôi dễ dàng tiếp cận những cơ sở nuôi gấu đang khai thác mật tươi.
Bao nhiêu cũng có!
Lân la hỏi chỗ mua mật gấu ở TP Hạ Long, chúng tôi được một người đàn ông chạy xe ôm nhanh nhảu: “Nhà tôi cũng có, cần gì đi đâu”. Người đàn ông xưng tên là Q.T này tiết lộ: “Con trai tôi làm ở trại nuôi gấu, thỉnh thoảng lại mang về vài chục cc mật”. Chúng tôi bảo muốn mua số lượng lớn, ông T. bèn tình nguyện dẫn đường đến trang trại nuôi gấu lớn nhất TP Hạ Long nằm sát Khu Du lịch Tuần Châu.
Khi chở chúng tôi gần tới nơi, ông T. bất ngờ dừng xe trước một cửa hàng bán tạp hóa ven đường và gọi ông chủ ra tiếp khách. “Muốn vào trại gấu phải hỏi ý kiến ông ấy”- ông T. giải thích.
Ông chủ cửa hàng tên V.Đ cho biết trang trại nuôi gấu - khu đất bên kia đường, ven Quốc lộ 10 - thuộc sở hữu của gia đình ông nhưng cho người khác thuê để “thực nghiệm nuôi gấu ngựa sinh sản”.
Ông Đ. vừa là người gác cửa trại gấu quy mô và nổi tiếng nhất Hạ Long này vừa là người môi giới mua bán mật cho du khách.
Nghe mục đích của chúng tôi, ông Đ. tiếc rẻ: “Không may rồi, trang trại nuôi gấu mấy bữa nay dọn dẹp chuồng trại nên không thể tiếp khách. Sáng nay cũng có một đoàn du khách đến hỏi nhưng tôi đã phải từ chối. Tuần sau quay lại đi, muốn gì thì vô tư”.
Khi chúng tôi tỏ ra e dè về chuyện hút chích mật gấu đã bị cấm, ông Đ. cười khẩy: “Đúng là có cấm, kiểm lâm cũng làm gắt gao lắm nhưng nguồn cung thì không thiếu vì nhu cầu của du khách vẫn rất cao”.
Nói đoạn, ông nhấc điện thoại gọi một thanh niên ở trần từ trại gấu mang ra một hộp nhỏ đựng 50 cc mật gấu. “Lấy tạm chỗ này xài thử đi, 50.000 đồng/cc, cứ yên tâm về chất lượng”- ông Đ. quả quyết.
Trước khi tiễn khách, ông Đ. còn dặn: “Ở đây cần số lượng bao nhiêu cũng có. Nếu du khách mua mật gấu nhiều còn có giá ưu đãi nữa”.
Không cần đến trang trại
Ông T. tiếp tục đưa chúng tôi đến cơ sở nuôi gấu ở khu Cầu Trắng, phường Đại Yên – TP Hạ Long. Ông chủ cơ sở này cho biết: “Ở đây, chúng tôi bán buôn là chính, bây giờ phải hạn chế đón du khách nhưng cơ sở vẫn phải hoạt động hết công suất bởi mỗi tháng phải xuất khẩu hàng ngàn cc mật gấu”.
Để cung ứng được lượng mật rất lớn ra thị trường, hầu như ngày nào cũng có vài chú gấu bị gây mê rồi đè ngửa ra lấy mật.
Ông T. cho biết không chỉ bán tại chỗ, các chủ trang trại, cơ sở nuôi gấu còn chuyển mật lén lút ra nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.
“Du khách Hàn Quốc rất ưa chuộng mật gấu của Việt Nam có thể đặt qua người dẫn tour và không cần đến tận nơi lấy mật nhưng vẫn được cung ứng đầy đủ”- ông T. khẳng định.
Ở Quảng Ninh, hầu như trang trại, cơ sở nào cũng trương tấm bảng “Thực nghiệm nuôi gấu ngựa sinh sản”. Tuy nhiên, hàng trăm con gấu đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh gắn chip điện tử theo dõi nhưng chưa có con nào “biết đẻ” như mục đích mà các cơ sở này đăng ký khi xin giấy phép nuôi gấu.
Do các công ty du lịch lữ hành không còn công khai đưa du khách đến các trại gấu nữa nên “nghề” cò mật gấu rất phát triển ở Quảng Ninh. Ghé một quán giải khát ven đường, chúng tôi thử thăm dò việc mua bán mật gấu, lập tức chủ quán và nhiều bác xe ôm gần đó đồng thanh: “Để tôi chở đi”! Không chỉ du khách, bất kỳ ai muốn mua mật gấu tươi cũng đều được đáp ứng.
Những cơ sở nuôi gấu lớn với hàng trăm con hiện rất cảnh giác nhưng các cơ sở nhỏ hơn thì vẫn vô tư đón khách. Tại trại gấu Hòa Toản (phường Hà Tu - TP Hạ Long), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến công nghệ nuôi gấu lấy mật.
Nơi nuôi gấu là những lồng sắt chật hẹp. Điều kiện sinh hoạt của những “tù nhân gấu” cũng hết sức tồi tệ, từng con bị nhốt riêng vào từng lồng. Trong gian nhà đặt lồng sắt giam giữ gấu lấy mật, mùi hôi thối xộc lên.
Chủ cơ sở dặn: “Đừng đứng gần, coi chừng gấu vồ đấy”. Tuy nhiên, những chú gấu ở đây có lẽ chẳng còn hơi sức đâu để vồ người. Mỗi khi có khách đến tham quan, chúng lại tỏ rõ vẻ cuống quýt, sợ sệt do bị hút chích mật quá nhiều.
“Vài hôm nữa, chúng tôi sẽ chích hút mật con Misa, nếu cậu đến thì liên lạc trước với chúng tôi”- chủ cơ sở nói. Bà ta cũng cho tôi số điện thoại để tiện đặt mua mật gấu khi cần. “Chúng tôi không nhận tiếp cả đoàn du khách nhưng nếu có khách lẻ nào cần xem và mua mật gấu thì sẵn sàng”- bà ta cho biết.
“Đã nề nếp, quy củ rồi”!
Gấu nuôi ở các cơ sở, trang trại tại Hạ Long đều là gấu ngựa (gấu đen châu Á, một loài động vật quý hiếm thuộc nhóm 1B có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới, nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại). Gấu ngựa tại các cơ sở, trang trại này hầu như đều có xuất xứ từ thiên nhiên hoang dã. Một chủ cơ sở nuôi gấu tiết lộ: “Gấu của chúng tôi nhập từ Lào về, giá mỗi con khoảng 70 triệu đồng”.
Dù “du lịch mật gấu” đã có nhiều biến tướng nhưng khi trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Phát, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, vẫn quả quyết: “Việc nuôi gấu giờ đã đi vào nề nếp, quy củ rồi. Chúng tôi cũng đã đưa rất nhiều đoàn trong nước và quốc tế đi khảo sát, họ đều thừa nhận việc quản lý rất chặt chẽ khi gấu được gắn chip điện tử. Việc “du lịch mật gấu” cũng không công ty nào dám làm nữa”! Theo ông Phát, mật gấu bán rất nhiều trên thị trường tự do hoàn toàn có thể bị làm giả. |
Bình luận (0)