Do thuế suất xuất khẩu vàng 99% quá cao nên các doanh nghiệp hạ “tuổi” vàng thành vàng nữ trang để được miễn thuế. Ảnh: Hồng Thúy
Thất thu thuế nghiêm trọng
Theo giới kinh doanh vàng, để tái xuất vàng có lợi nhuận đòi hỏi giá vàng thế giới phải cao hơn trong nước ít nhất 300.000 đồng/lượng.
Trong 7 tháng đầu năm 2011, các DN đã tranh thủ những thời điểm thuận lợi (giá vàng trong nước thấp hơn thế giới) để tái xuất 24 tấn vàng, thu về khoảng 1,2 tỉ USD. Phần lớn số ngoại tệ này được chuyển sang VNĐ bởi DN phải vay vốn của ngân hàng (NH) để thu mua vàng miếng rồi chế tác thành vàng nữ trang xuất khẩu. Sau 2 ngày nhận hàng, đối tác nước ngoài thanh toán 80% số tiền mua. Lập tức, NH thu hồi số tiền đã cho DN vay. Trong khi đó, DN cũng không muốn “ôm” ngoại tệ vì lãi suất tiền gửi VNĐ phổ biến 14%/năm (gần 0,04%/ngày), còn lãi suất tiền gửi bằng USD thì quá “bèo” (chỉ 0,5%/năm) nên DN bán ngay ngoại tệ cho NH...
Như vậy, thông qua tái xuất vàng, DN xuất khẩu cũng như gia công thành vàng nữ trang, kể cả NH đều thu được lợi nhuận với những mức độ khác nhau. Riêng Nhà nước không thu được đồng thuế nào do không DN nào xuất vàng 99% để mất 10% thuế như quy định.
Điều đáng nói nữa là DN không đủ điều kiện tái xuất vẫn “vô tư” xuất hàng tấn vàng thông qua nhiều DN khác. Còn DN có giấy phép xuất khẩu vàng, đủ năng lực sản xuất hàng ngàn sản phẩm trong thời gian ngắn thì tranh thủ cho thuê giấy phép, thu phí gia công 100.000 đồng/sản phẩm (chưa kể chi phí hao hụt vàng trong quá trình sản xuất) khiến thị trường xuất khẩu vàng trở nên phức tạp.
Kiểm soát cũng như không
Nhiều ý kiến cho rằng hiện giá vàng trong nước xấp xỉ 40 triệu đồng/lượng, nếu tái xuất 1 lượng vàng với thuế suất 10%, DN phải đóng thuế 4 triệu đồng, trong khi giá vàng thế giới cao hơn trong nước 4 triệu đồng/lượng là điều không tưởng. Do đó, khi người dân ồ ạt bán vàng, DN đã nhanh chóng gom vào với giá rẻ hơn thế giới rồi tìm cách giảm tỉ lệ vàng, giảm trọng lượng sản phẩm xuất khẩu để trốn thuế nhằm giải quyết đầu ra. Như thế, thuế suất cho hoạt động tái xuất hiện nay là… vô nghĩa.
Để đối phó với tình trạng DN hạ tuổi vàng nhằm “né” thuế khi xuất khẩu, mới đây, NH Nhà nước đã đề xuất Bộ Tài chính hạ hàm lượng vàng tái xuất (miễn thuế) xuống 80% để hạn chế DN ồ ạt tái xuất vàng. Tuy nhiên, lãnh đạo một DN kinh doanh vàng cỡ lớn cho rằng giải pháp này không khả thi bởi DN sẽ sẵn sàng chế tác sản phẩm có hàm lượng vàng 75% để tiếp tục được miễn thuế. Từ đó, chi phí kinh doanh của DN sẽ tăng lên vì phải sản xuất nhiều sản phẩm hơn, thời gian vay vốn NH cũng nhiều hơn…
Ngày 26-7, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính phản đối cách điều chỉnh này. Hiệp hội này cho rằng việc điều chỉnh hàm lượng vàng tái xuất xuống 80% sẽ làm tăng thêm chi phí gia công, hao hụt vàng trong quá trình sản xuất, gây tốn kém của cải xã hội trong khi về căn bản vẫn không ngăn được tình trạng xuất vàng “núp bóng” nữ trang. Mặt khác, khi chênh lệch giá xuất khẩu không đủ trang trải chi phí, DN sẽ không xuất theo đường chính ngạch, từ đó sẽ tạo điều kiện cho hoạt động xuất lậu vàng... Điều này có thể làm thị trường rối loạn.
Nên điều chỉnh thuế hợp lý
Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng ACB, phân tích khi áp thuế suất tái xuất vàng 10%, Bộ Tài chính nhắm tới chủ trương hạn chế tái xuất vàng, tức là muốn giữ vàng lại song chưa có cơ chế sử dụng. Tuy nhiên, NH Nhà nước lại quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng tại các NH. Hai vấn đề pháp lý này kết hợp lại vẫn chưa xác định được sẽ làm gì với số vàng dự trữ trong dân. Lãnh đạo nhiều DN khác cũng kiến nghị Nhà nước nên áp thuế suất tái xuất vàng ở mức 0,5%-1% là phù hợp vì giá trị của 1 ounce vàng quá lớn, đồng thời thuế nhập khẩu vàng lâu nay là 1% và hiện còn 0%.
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cũng cho rằng Nhà nước nên quản lý một cách linh hoạt, sao cho giá vàng trong nước và thế giới cân bằng. “Có thể nghiên cứu thêm biện pháp đánh thuế xuất nhập khẩu vàng ở mức hợp lý, không phải chờ thị trường vàng căng thẳng mới cho nhập khẩu” – ông Nghĩa nói.
Không nên tái xuất quá đà Một số ý kiến cho rằng tình trạng ồ ạt tái xuất vàng nhưng không cho nhập khẩu có thể gây ra khan hiếm vàng. Khi đó, kịch bản cơn sốt vàng của năm 2009 và 2010 sẽ tái diễn. Giá trong nước cao hơn thế giới, hiện tượng nhập lậu vàng sẽ trỗi dậy, góp phần làm tăng tỉ giá hối đoái, ảnh hưởng không tốt đến kinh tế vĩ mô. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng đại diện hãng kinh doanh vàng MKS Thụy Sĩ tại Việt Nam, nếu giá vàng trong và ngoài nước chênh nhau không đáng kể thì chẳng có DN nào xuất hoặc nhập vàng. Vấn đề của thị trường vàng Việt Nam là cơ quan quản lý cần điều tiết quota xuất nhập khẩu hợp lý, cân đối cung cầu. Khi đó, Nhà nước sẽ kiểm soát được cả thị trường vàng lẫn ngoại tệ, thuận lợi cho việc hoạch định chính sách vĩ mô. |
Bình luận (0)