Sắp tới, xe chở bauxite sẽ chạy trên Quốc lộ 20 nối Lâm Đồng với Đồng Nai.
Đường này rất hẹp nên thường xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: Như Phú
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng Ban Nhôm - Titan thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết tháng 9 tới, Nhà máy Bauxite Nhân Cơ (Lâm Đồng) sẽ vận hành.
Nước đến chân mới nhảy!
Tính toán của TKV cho thấy năm 2011, do công suất nhà máy mới đạt khoảng 30% nên việc vận chuyển alumin và nguyên liệu (hai chiều) sẽ không nhiều, khoảng 400.000 tấn.
Nhưng đến năm 2012, khi công suất đạt 60% thì khối lượng vận chuyển sẽ tăng gấp đôi và đến năm 2013, khi công suất nhà máy đạt 100% thì alumin và nguyên liệu chở qua các tuyến đường thuộc tỉnh Đồng Nai lên tới khoảng 1,2 triệu tấn/năm.
Theo dự kiến của Bộ GTVT và TKV, đến năm 2014 khi cảng Kê Gà (Bình Thuận) đi vào hoạt động thì nguyên liệu vận chuyển bằng đường bộ qua địa bàn tỉnh Đồng Nai mới giảm xuống, chỉ còn khoảng 10%.
Vậy mà chỉ mới đây, ngày 7-7, Bộ trưởng Bộ GTVT mới có Quyết định 1496 giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng các tuyến đường bộ phục vụ ngành công nghiệp nhôm giai đoạn khi chưa có cảng Kê Gà và giai đoạn khi có cảng Kê Gà thuộc 4 tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Thuận.
Theo đó, 2 tuyến đường sẽ được nâng cấp, cải tạo trước khi có cảng Kê Gà là Tỉnh lộ 725 (đoạn từ Nhà máy Tân Rai đến ngã ba Bảo Lộc) và Tỉnh lộ 769 (đoạn từ Dầu Giây đến Long Thành). Bên cạnh đó, những tuyến đường sẽ được nâng cấp khi có cảng Kê Gà là Quốc lộ 28 (đoạn Gia Nghĩa - Quảng Khê), tuyến đường thủy Đồng Nai 4 (đoạn Quảng Khê - Lộc Bắc), Tỉnh lộ 725 (đoạn Lộc Bắc - Tân Rai), Tỉnh lộ 714 (đoạn Thôn Ba - La Dạ), Quốc lộ 55 (đoạn La Dạ - Mỹ Thạnh), tuyến đường địa phương đoạn Mỹ Thạnh đến Bà Bàu và từ Bà Bàu đến Quốc lộ 1A (thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận).
Cách đây hơn một tuần, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới tiếp tục có văn bản ủy quyền, giao Ban Quản lý dự án 5 (PMU5) lập dự án khảo sát, nâng cấp các tuyến đường nói trên và báo cáo trong tháng 9-2011.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết PMU5 chủ yếu thực hiện khảo sát đối với 2 tuyến Tỉnh lộ 725 (17 km) và 769 (33 km) phục vụ giai đoạn trước khi có cảng Kê Gà.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 20 đã được phê duyệt từ năm 2010 bằng nguồn ngân sách Nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa có tiền triển khai. Nếu mở rộng Quốc lộ 20 thì rất khó vì dân cư sống hai bên đường quá nhiều nên việc đền bù, giải tỏa sẽ mất nhiều thời gian. Điều này buộc tổng cục phải trình phương án nâng cấp mặt đường dày hơn để phục vụ các đoàn xe có trọng tải lớn.
Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này thì an toàn cho dân cư hai bên tuyến quốc lộ này sẽ không bảo đảm. Về lâu dài, buộc phải làm một tuyến đường mới tránh thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng) và đến nay đã được Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận.
Sẽ xử lý xe chở bauxite theo pháp luật
Trong cuộc họp với UBND tỉnh Đồng Nai ngày 27-7, lãnh đạo TKV cho biết đã thuê đoàn xe siêu trường, siêu trọng (xe đầu kéo, tính cả rơ - moóc dài 18 m, rộng 2,3 m, cao 2,75 m và tải trọng tính cả hàng hóa khoảng 40 tấn) của một công ty vận tải ở TPHCM.
Theo tính toán của TKV, trung bình cứ 10 phút sẽ có một chuyến xe 40 tấn xuất bến và có 140 chuyến xe/ngày chạy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, mỗi chiếc cách nhau 4 km.
Đường vận chuyển bauxite thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai có 16 cây cầu, trong đó 3 cây cầu chỉ chịu được 30 tấn, 13 cây cầu chỉ chịu được trọng tải 20-25 tấn.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, dù TKV biết tình trạng đường sá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang xuống cấp nhưng cho đến thời điểm này, khi dự án bauxite sắp đi vào hoạt động thì không thể dừng lại được.
Đại tá Võ Văn Sáng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, khẳng định nếu các đoàn xe của TKV vận chuyển quá tải, chưa bảo đảm đúng quy định về trọng tải cầu đường, sẽ phải xử lý theo pháp luật.
Các tuyến đường mà xe vận chuyển bauxite của TKV đi qua đều đang trong tình trạng quá tải và tai nạn giao thông đang gia tăng (Quốc lộ 20 có 24.500 lượt xe lưu thông/ngày đêm, còn Quốc lộ 51 là 66.000 lượt xe/ngày đêm).
TKV phải bỏ tiền làm đường
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết: “Theo quy định của Chính phủ và Bộ GTVT, đơn vị nào sử dụng các phương tiện quá tải trọng cầu đường và thường xuyên khai thác các tuyến đường phải bỏ tiền ra sửa chữa, nâng cấp nhằm bảo đảm tiêu chuẩn, không gây hư hỏng đường. Như thế, việc TKV chậm trễ bỏ tiền để làm các tuyến đường là lỗi của họ. Các cơ quan chức năng cũng không thể tạo cho họ cơ chế riêng, nếu họ vi phạm, phải xử phạt”. |
Bình luận (0)