Mặc dù kinh tế toàn cầu có nhiều biến động nhưng thị trường hàng không Việt Nam vẫn tăng trưởng rất tốt, sản lượng vận tải hành khách 6 tháng đầu năm nay tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp gần 3 lần so với mức tăng trưởng GDP.
Quá tải
Phòng Quản lý hoạt động bay Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã xuất hiện tình trạng quá tải tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Cam Ranh. Riêng cảng hàng không Tân Sơn Nhất có ngày đã tiếp nhận 430 lượt cất/hạ cánh, tiệm cận giới hạn khai thác.
Khách hàng của AirMekong chờ làm thủ tục Cho vay ưu đãi
Các hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific (JPA) đang lên kế hoạch mua thêm máy bay để mở rộng hoạt động khai thác. VNA hiện có 73 máy bay, đang kiến nghị Chính phủ cho mua thêm máy bay để nâng tổng số phương tiện khai thác lên 115 chiếc vào năm 2015, có tính đến việc bổ sung thêm loại máy bay thân rộng A380 để mở đường bay đến Mỹ và máy bay tầm ngắn Bombardier. JPA hiện có 7 máy bay và đang thực hiện chuyển đổi máy bay Boeing737-400 sang Airbus A320, đồng thời được bổ sung máy bay vào các thời điểm thích hợp, tăng năng lực khai thác thị trường nội địa và quốc tế.
Nhưng các hãng hàng không tư nhân vẫn rất khó cất cánh dù tiềm năng thị trường rất tốt. Trừ hãng hàng không tư nhân AirMekong đang khai thác đường bay giữa các điểm Hà Nội, TPHCM và Phú Quốc với 4 máy bay Bombardier, các hãng tư nhân còn lại đều không tham gia thị trường. VietJet Air được thành lập năm 2008, nhiều lần được gia hạn giấy phép, dự kiến bay vào cuối năm. Hãng hàng không này hiện đã thuê 1 máy bay để xây dựng chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện khác để cất cánh. Nhưng VietJet có kịp bay vào cuối năm hay không vẫn còn là ẩn số vì hãng này đã từng nhiều lần lỡ hẹn.
Hãng hàng không Indochina Airlines, sau khi được chấp thuận phương án tái cơ cấu từ cuối năm ngoái, đến nay lại im hơi lặng tiếng. Chưa có bất cứ thông tin gì về kế hoạch tái cơ cấu của hãng hàng không này vì Cục Hàng không Việt Nam, chủ nợ và nhân viên của hãng đều không thể liên lạc được với nhạc sĩ Hà Dũng, tổng giám đốc điều hành. Một lần nữa, Indochina Airlines lại phải đối mặt với khả năng rút giấy phép.
Khó ở cơ chế hay năng lực?
Nghịch lý thị trường quá tải, hãng mới chưa được phép thành lập thêm trong khi có nhiều “hãng hàng không trên giấy” ra đời nhưng không hoạt động đã khiến dư luận đặt câu hỏi rào cản trên thị trường hàng không là ở cơ chế hay ở năng lực của doanh nghiệp (DN)?
Để thuận tiện cho hoạt động khai thác và giảm chi phí, trước đây, JPA đã từng kiến nghị được cung cấp các dịch vụ mặt đất cho các chuyến bay của hãng và cho cả chuyến bay quốc tế của Jetstar nhưng không được chấp thuận. Nguyên nhân do diện tích của các nhà ga đã quá tải. Sau thời gian đầu phải thuê dịch vụ của VNA, đề nghị của JPA cũng được đáp ứng nhưng chỉ được chấp thuận trong phạm vi tự làm dịch vụ cho chính các chuyến bay của mình, không mở rộng đến các chuyến bay của hãng khác. Gần đây, AirMekong cũng đề nghị được cung cấp một số dịch vụ liên quan đến hoạt động khai thác bay nhưng cũng bị từ chối vì các dịch vụ này đang được VNA và một số DN khác thực hiện từ trước.
Phía các DN cũng có một số hạn chế mà thấy rõ nhất là không đủ vốn khi thời gian lỗ kế hoạch (thời gian đầu mở đường bay) kéo dài. Bên cạnh đó là những tác động bất lợi từ biến động kinh tế, ảnh hưởng đến giá nhiên liệu và nhu cầu đi lại của thị trường…
Bình luận (0)