Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ tín dụng của hệ thống NH bằng 1,2 lần GDP trong khi ở nhiều quốc gia khác mức này chỉ là 0,6-0,7 lần. Các NH thương mại (TM) là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho toàn bộ nền kinh tế, đáp ứng 97% các hoạt động tín dụng; phi NH chỉ đáp ứng 3% vì thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ. Nhờ bao sân tín dụng cho toàn bộ nền kinh tế, các NHTM đạt lợi nhuận cao là điều dễ hiểu.
Đủ kiểu thu lợi
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, trong một bài viết đã được công bố của mình, đã phân tích 4 lý do cơ bản để NH lãi lớn trong thời điểm đầy biến động của thị trường tài chính tiền tệ.
Đó là NH có thể mua rẻ bán đắt từ quy định trần lãi suất; kiếm lợi hai đầu trong cơ chế tỉ giá chính thức thấp hơn tỉ giá thực tế rất nhiều; kiếm lời từ hạn ngạch nhập khẩu vàng đẩy giá trong nước cao hơn giá thế giới và tăng lợi nhuận danh nghĩa từ lạm phát. Rõ ràng, lợi nhuận của NH có được là nhờ vào một số chính sách nhưng lại đẩy gánh nặng cho nền kinh tế.
NH còn là một trong số rất ít các ngành vẫn có khả năng bán đắt trong bối cảnh sức mua của thị trường đồng loạt giảm vì tác động của lạm phát, vì đẩy khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động - cho vay doãng ra. Năm 2005, chênh lệch lãi suất chỉ khoảng 3,42%, năm 2006 tăng lên 4,63% và giảm nhẹ trong các năm 2008 - 2009. Bước sang năm 2011, các NH niêm yết lãi suất huy động 14% nhưng cho vay đều trên 20%, thậm chí lãi suất cho vay tiêu dùng đến 25%-27%, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Kiểm ngân tại NH Đông Á (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: TẤN THẠNH
Các NH còn tăng thu bằng cách “đẻ” ra các loại phí hoặc tăng phí. Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết năm 2008, Luật Thuế Giá trị gia tăng quy định mọi hóa đơn đầu vào có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên đều được khấu trừ nếu thực hiện giao dịch qua NH. Mục đích của chính sách này là tiến tới minh bạch hóa và hạn chế sử dụng tiền mặt.
Đến năm 2010, tốc độ giao dịch của cá nhân tăng gấp 3 lần, của doanh nghiệp (DN) tăng gấp 10 lần; lẽ ra sản lượng tăng, chi phí phải giảm nhưng NH lại tăng phí năm sau cao hơn năm trước. Theo ông Phụng, hàng loạt loại phí đánh vào thẻ tín dụng, các khoản vay cũng là hình thức tăng giá để NH tăng lợi nhuận. Thông qua các khoản phí, NH đã tăng đáng kể nguồn thu và lấy hết lợi nhuận của nền kinh tế, còn DN thì rên xiết vì khó khăn.
Thỏa hiệp với sai phạm?
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nói rằng “các NHTM bây giờ mong muốn NHNN can thiệp bằng công cụ hành chính để dễ trốn, dễ vô hiệu hóa. Nếu can thiệp bằng công cụ thị trường, họ phản đối vì không trốn tránh được. Chưa bao giờ hệ thống tài chính bị tàn phá về đạo đức ghê gớm như hiện nay”.
Ông Nghĩa cho biết ngay trong lĩnh vực được coi là chuẩn mực nhất về thủ tục giấy tờ pháp lý là NH mà cũng đã có chế độ hai sổ sách, hai giá. NH niêm yết một đằng, huy động một nẻo nên phải xin NHNN cho cơ chế đặc biệt để xử lý được phần chênh lệch lớn khi chốt sổ sách.
“Chưa bao giờ hệ thống tài chính bị tàn phá về đạo đức ghê gớm như hiện nay”.
TS Lê Xuân Nghĩa (Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia |
Rủi ro đạo đức từ hệ thống NH ngày càng tăng trong khi cơ quan quản lý chưa tỏ ra kiên quyết với những sai phạm. Trước hiện tượng vượt rào lãi suất, NHNN liên tục ban hành văn bản yêu cầu chấn chỉnh và khẳng định sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, chưa có tên tuổi nào được công bố; trong khi đó, các báo cáo chính thức của NHNN hoặc của cơ quan chức năng trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ nhất đang diễn ra đều thừa nhận lãi suất huy động thực tế đã vượt trần 14%.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động: “NH và DN có quan hệ cộng sinh, khả năng chia sẻ khó khăn của NH với DN thế nào trong thời điểm khó khăn này?”, TS Lê Xuân Nghĩa nói: “Không thể yêu cầu NH tự lấy lãi ít đi để chia sẻ với DN. Đây là chức năng của thị trường, thị trường sẽ tự “bốc” cho tôi một phần, cho anh một phần trên nền tảng lợi nhuận/vốn tôi và anh bỏ ra. Tôi nghĩ thị trường chia khá công bằng, tính ra NH có lãi hơn 10% và DN lãi khoảng 11%.
“Nhưng lợi nhuận của NH chủ yếu từ hoạt động tín dụng mà chênh lệch lãi suất huy động và cho vay quá cao. Nếu họ giảm bớt tình trạng mua rẻ, bán đắt thì DN dễ thở hơn?”, ông Nghĩa lý giải: “Nếu NH huy động đúng trần lãi suất NHNN quy định là 14%, cho vay 20%-22% thì lãi rất lớn nhưng trên thực tế không phải như vậy.
Các NH huy động bình quân 17%, cho vay 20%, tỉ lệ chênh lệch lãi suất 3% là thấp hơn nhiều so với các nước khác. Ví dụ Mỹ là 4,5%-5%, Malaysia cũng vậy...”. Vậy là, chuyện NH đồng loạt lách luật, vượt rào lãi suất hầu như ai cũng thấy, cũng biết. Biết nhưng không xử lý hoặc xử lý không được, hệ lụy này DN và nền kinh tế phải gánh, còn các NH cứ thế mà thu vén!
Lợi nhuận cao nhưng phải hợp lý
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng nếu lợi nhuận của các NH ảnh hưởng đến nền kinh tế thì Chính phủ và NHNN phải ra tay điều tiết
* Phóng viên: Thưa ông, các NH công bố lãi hàng ngàn tỉ đồng trong khi khối DN đều than khó, hoạt động cầm chừng. Đây có phải là nghịch lý?
- Ông Bùi Kiến Thành: Từ cuối năm ngoái và khi triển khai Nghị quyết 11 hồi tháng 2-2011, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố việc giảm lãi suất là trách nhiệm chính trị của hệ thống NH trong năm nay. Chúng ta đã đi hết nửa năm nhưng lãi suất chưa được kéo xuống. Nếu không làm tốt việc này thì sẽ khó thực hiện những mục tiêu khác của Nghị quyết 11 là tăng trưởng GDP từ 5,5%-6,5%. Làm sao mà tăng trưởng được nếu DN hoạt động cầm chừng hay ngừng hoạt động. Không có nền kinh tế nào ổn định, bền vững và phát triển với lãi suất vay 20% trở lên. Các NHTM không phải chỉ làm lợi cho mình mà còn có nhiệm vụ cùng NHNN cung ứng đầy đủ lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển bền vững; cung ứng đủ cho DN phát triển ổn định để bảo đảm tăng trưởng và an sinh xã hội.
* Chính phủ, NHNN có thể yêu cầu các NHTM chia sẻ lợi ích với DN không? NHNN có thể điều chỉnh lợi nhuận thông qua biện pháp gì?
- NHTM không có trách nhiệm chia sẻ, rút lợi nhuận xuống để DN sống. Đó là giải pháp phòng thủ trong một tình thế yếu. Còn giải pháp của nền kinh tế phát triển là phải tạo ra môi trường và điều kiện để kinh tế phát triển, cho DN ăn nên làm ra. Các DN nói điều kiện tốt để họ phát triển là lãi suất khoảng 10%. Như vậy, Chính phủ, NHNN cần nhìn mục tiêu này để đáp ứng. Lãi suất đẩy lên cao chừng nào, chi phí sản xuất bị đẩy lên chừng đó, NH ít bị ảnh hưởng nhưng khó khăn lại đẩy về phía DN.
NHNN không có quyền hạn can thiệp hành chính để rút lợi nhuận của NHTM nhưng có quyền kiểm soát hoạt động NH thế nào cho hợp lý, không phải để NHTM đưa ra lãi suất 20% cộng hàng loạt phí, dồn gánh nặng lên người vay. Những gì diễn ra trong thực tế cho thấy NHNN làm chưa hết nhiệm vụ trong quản lý hoạt động nghiệp vụ NH. Phải xem các NH hoạt động có đúng chuẩn mực không. Điều nguy hiểm nhất là NH đã thực sự thực hiện chính sách Nhà nước về tăng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, giảm tín dụng phi sản xuất chưa, hay chỉ vì lợi nhuận, bất chấp “sức khỏe” của nền kinh tế.
* Kinh tế khó khăn nhưng các NH vẫn ăn nên làm ra, có phải do họ được hưởng nhiều thuận lợi trong chính sách của Nhà nước?
- Thực tế cho thấy những khó khăn vĩ mô và chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa chỉ tác động đến người vay vốn, không tác động đến các NH cho vay. Ai kinh doanh cũng muốn lợi nhuận cao nhưng lợi nhuận cần phải hợp lý, bảo vệ được sự ổn định của đơn vị kinh doanh đó và không làm hại cho các lĩnh vực khác. Nếu lợi nhuận của NH ảnh hưởng đến nền kinh tế thì Chính phủ, NHNN phải điều tiết để hệ thống NHTM đóng vai trò tích cực trong phát triển kinh tế.
Tô Hà thực hiện |
Bình luận (0)