Theo hãng tin AFP, kế hoạch cắt giảm ngân sách được tiến hành trong 2 bước. Bước đầu tiên kêu gọi cắt giảm chi tiêu khoảng 900 tỉ USD trong 10 năm tới. Những đề xuất cho việc cắt giảm 1.500 tỉ USD còn lại sẽ do một ủy ban đặc biệt của quốc hội đưa ra để được bỏ phiếu thông qua trước ngày 23-12. Tương tự, mức trần nợ công bước đầu sẽ được tăng thêm 900 tỉ USD. Mức tăng 1.500 tỉ USD còn lại sẽ được gắn liền với ủy ban nói trên – dự kiến gồm 12 thành viên, trong đó có 6 của Đảng Dân chủ và 6 của Đảng Cộng hòa.
Thỏa thuận nâng mức trần nợ công cần được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 2-8, thời hạn chót để Mỹ đưa ra quyết định về vấn đề này. Theo hãng tin Reuters, Thượng viện Mỹ, do Đảng Dân chủ kiểm soát, nhiều khả năng sẽ thông qua thỏa thuận trong ngày 1-8 (giờ địa phương). Cuộc bỏ phiếu tại hạ viện, nơi phe Cộng hòa nắm thế đa số, có thể gặp khó khăn hơn do nhiều nghị sĩ bày tỏ sự thất vọng về thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo quốc hội thừa nhận đây không phải là thỏa thuận mong muốn của họ nhưng là một sự thỏa hiệp cần thiết. Tổng thống Obama nhấn mạnh thỏa thuận này có thể giúp xua tan nguy cơ bất ổn đối với nền kinh tế Mỹ cũng như các thị trường tài chính.
Theo các nghị sĩ, khoản ngân sách bị cắt giảm bao gồm chi phí quốc phòng, vốn được coi là quan trọng đối với Đảng Cộng hòa, và chương trình chăm sóc người già, vốn được coi là quan trọng đối với Đảng Dân chủ. Ngoài ra, việc tăng mức trần nợ công nói trên được cho là đủ để giúp Chính phủ Mỹ hoạt động bình thường cho đến sau các cuộc bầu cử năm 2012 – một mục tiêu quan trọng của ông Obama.
Nhiều nước và nhà đầu tư đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận nói trên. Nhật Bản bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tiến hành thêm những bước đi nhằm ổn định nền tài chính và ngăn chặn nguy cơ giảm mức tín nhiệm tín dụng của nước này. Thị trường chứng khoán châu Á cũng có phản ứng tích cực khi đồng loạt tăng điểm trong các phiên giao dịch hôm 1-8.
Bình luận (0)