Đây là kết luận của công trình nghiên cứu mang tên “Thay đổi mô hình di cư ở châu Á: Hướng đến hội nhập kinh tế khu vực”. Công trình này vừa được trình bày tại hội thảo “Chuyển đổi dân số: Bước ngoặt trong xã hội Thái Lan” do Viện nghiên cứu xã hội và dân số (IPSR) thuộc Trường Đại học Mahidol tổ chức ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Xu hướng mới
Sự tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á trở thành yếu tố thu hút lao động di cư. Theo tiến sĩ Sakkarin Niyomsilpa của IPSR, nhiều người đã tìm việc tại các thành phố châu Á có nhiều doanh nghiệp lớn như Bangkok, Thượng Hải, Singapore và Hồng Kông.
Nghiên cứu nêu trên cho thấy ở Thái Lan, số lượng lao động nước ngoài giỏi nghề có xu hướng tăng mạnh do tăng trưởng kinh tế theo định hướng phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Một nhóm lao động nhập cư làm việc tại nông trại ở tỉnh Chanthaburi - Thái Lan,
gần biên giới Campuchia. Ảnh: MALARIACONTAINMENT
Nước này không chỉ tăng số lượng xuất khẩu lao động mà ngược lại, có một nhu cầu rất lớn về nhập khẩu lao động nước ngoài.
Báo The Nation (Thái Lan) dẫn lời ông Sakkarin cho biết: “Sau khi AEC chính thức thành lập vào năm 2015, dòng chảy lao động có thể sẽ phức tạp hơn vì các nền kinh tế Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Bên cạnh đó, sự phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước này sẽ đem lại nhiều cơ hội đầu tư nước ngoài hơn”.
Sự dịch chuyển lao động trong nội bộ châu Á trở nên dễ dàng hơn, nhất là khi nhiều nước trong khu vực nới lỏng luật nhập cư và xử trí linh hoạt đối với thị trường lao động.
Công trình nghiên cứu cũng cho biết Thái Lan xếp thứ 5 trong số các nước và vùng lãnh thổ có nhiều lao động di cư tại khu vực Đông Á với 1,16 triệu người năm 2010. Hồng Kông đứng đầu với 2,74 triệu lao động di cư, tiếp theo là Malaysia, Nhật và Singapore.
Biến chuyển xã hội
Tuy nhiên, dòng chảy lao động tự do giữa các nước ASEAN có thể gây ra nạn chảy máu chất xám. Hơn nữa, ông Sakkarin cho biết kể từ sau năm 2020, lực lượng lao động ở Thái Lan sẽ giảm dần so với giai đoạn trước đó dẫn đến không ít thách thức.
Ngược lại, số người trong tuổi lao động ở Indonesia, Philippines và Việt Nam ngày càng nhiều. Trong số này, Philippines và Indonesia đang thúc đẩy xuất khẩu lao động, để đáp ứng nhu cầu đang tăng ở châu Á.
Ông Sakkarin kêu gọi Chính phủ Thái Lan điều chỉnh chương trình giáo dục để giúp đào tạo những chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp, giải quyết hụt nguồn lao động của đất nước.
Song song đó, nhà chức trách cần nâng cao trình độ ngoại ngữ và khả năng thích ứng môi trường văn hóa khác nhau của các nước láng giềng. “Nếu không cải cách giáo dục, Thái Lan chỉ là một nước nhập khẩu lao động” – ông nói.
Việc phân tích mô hình nhu cầu và nguồn cung ứng lao động ở khu vực ASEAN sẽ giúp hiểu rõ những xu hướng tuyển dụng và di cư lao động. Không chỉ vậy, chính phủ cần thay đổi về luật định đối với lao động di cư và cải thiện hệ thống an sinh xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cuộc cạnh tranh giành lấy những lao động có tay nghề cao hứa hẹn sẽ ngày càng gay gắt trong thời gian tới, không chỉ trong nội bộ các nước châu Á mà còn có cả phương Tây.
Bình luận (0)