Cần có định chế bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo. Trong ảnh: Đội tàu khai thác thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đang ra khơi. Ảnh: Dương Thanh Xuân
- Ông Nguyễn Đình Lộc: Đúng là có ý kiến cho rằng không nên làm Hiến pháp để rồi sửa nhiều. Vấn đề là cần phải có quan điểm rõ về vai trò và vị trí của hiến pháp trong hệ thống pháp luật của nước ta. Từ đó mới thấy nên sửa ít hay sửa nhiều, cần đưa điều gì vào hiến pháp. Lúc này, chúng ta mới đặt vấn đề sửa Hiến pháp chứ chưa đưa ra một chủ thuyết rõ ràng. Đại hội XI của Đảng chỉ nêu chủ trương khẩn trương nghiên cứu sửa đổi hiến pháp nhưng chưa nói sửa như thế nào. Cần làm rõ chủ thuyết sửa hiến pháp mới thấy cần sửa những gì.
* Thưa ông, nói hiến pháp là đạo luật cơ bản nhưng một trong những vấn đề đang đặt ra lại khá cụ thể như thí điểm thực hiện bỏ HĐND cấp quận huyện - phường - xã?
- Phải thực hiện thí điểm vì thấy tình hình thực tế đã đòi hỏi quá bức xúc song lại “vướng” hiến pháp. Hiến pháp hiện hành đã quy định rõ 3 cấp HĐND nên muốn bỏ thì phải thực hiện thí điểm.
* Để tránh lại phải thí điểm những vấn đề cụ thể trong tương lai, lần này nên sửa cơ bản Hiến pháp?
- Hiện đang có những ý kiến đề nghị sửa đổi cơ bản, toàn diện hiến pháp. Nhưng sửa cơ bản là sửa ra sao, những vấn đề nguyên tắc nào, nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước, nguyên tắc cơ chế kinh tế... tôi thấy chưa rõ.
Chúng ta thường nói hiến pháp là đạo luật cơ bản nhưng cần giải mã thế nào là cơ bản. Nếu chỉ nói mà không giải mã được thì sẽ lại làm chính chúng ta lúng túng. Trong quá trình soạn thảo hiến pháp 2 lần trước, chúng ta chưa đi nhiều vào tìm hiểu thế nào là đạo luật cơ bản. Những năm gần đây chúng ta mới nói nhiều về điều này. Ngay thảo luận chiều 4-8 tại Quốc hội, tôi cũng nghe nhiều đại biểu nêu quan điểm rằng sửa hiến pháp chỉ nên sửa điều gì chung thôi chứ không sửa cụ thể song lại không thấy đưa ra một dẫn chứng để minh chứng thế nào là cụ thể.
* Ông thấy sao khi trong tờ trình của ủy ban Thường vụ Quốc hội về những định hướng lớn sửa đổi hiến pháp có nêu vấn đề bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc?
- Chủ quyền cũng là một vấn đề thuộc về quyền lực của nhân dân. Chương về bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp hiện nay mới nhìn việc bảo vệ Tổ quốc dưới góc độ quốc phòng chứ chưa nói rõ về việc bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Trong tình hình bảo vệ chủ quyền quốc gia hiện nay, nhầt là chủ quyền biển đảo đang là vấn đề lớn hiện nay, nên có thêm một chương với các chế định về bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thể hiện quyền lực của nhân dân * Theo ông việc sửa hiến pháp nên tập trung vào những vấn đề gì? - Một trong những vấn đề nổi lên nhất hiện là quyền lực của nhân dân. Điều 6 của hiến pháp hiện hành nói rằng tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân và nhân dân thực hiện quyền lực thông qua Quốc hội và HĐND các cấp. Như thế có nghĩa là nhân dân trao trọn quyền lực của mình cho Quốc hội và HĐND các cấp. Đại biểu Quốc hội và HĐND được nhân dân bầu ra và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân nhưng chế độ trách nhiệm thế nào lại chưa rõ. Chúng ta nói dân chủ hay không dân chủ chính là chỗ nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực của mình. Theo dõi phát biểu tại Quốc hội chiều 4-8, tôi chưa thấy đại biểu nào đề cập tới nội dung nêu tại điều 6 của hiến pháp trong khi đây đang là vấn đề nổi lên hiện nay. |
Bình luận (0)