xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lâm tặc làm “chủ rừng”

Bài và ảnh: Hoàng Hà

Chỉ một chuyến lặn lội vào những cánh rừng huyện Quảng Ninh - Quảng Bình, phóng viên Báo Người Lao Động đã mục kích hoạt động phá rừng rầm rộ, không bị cơ quan chức năng nào để mắt tới. Ở đây, lâm tặc là... chủ rừng

Từ bản Nà Lâm (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) đi ngược lên con dốc dựng đứng là vào rừng. Một con đường đã được mở ra, chạy xuyên qua cả núi đá để vận chuyển gỗ lậu. Để có được con đường này, bọn lâm tặc đã ngang nhiên dùng mìn phá đá, khai thông một con đường dài chừng 3 km.

Công nhiên đốn hạ

 Ngay đầu con đường, chúng tôi đã phát hiện nhiều vết chân trâu, vệt gỗ trượt dài trên nền đất. Và cũng ngay đây, những cây gỗ to bị hạ sát gốc nằm nhan nhản hai bên đường. Phía sau con dốc là dấu vết của hai lán trại của lâm tặc còn để lại, soong nồi, vật dụng cá nhân nằm ngổn ngang quanh khu lán.

Đây là một khu rừng khá bằng phẳng, chủ yếu chuối rừng và cây cổ thụ, nhiều cây có đường kính lên đến vài ba mét. Lâm tặc tập trung chặt một loại cây và đa số những gốc cây bị hạ sát gốc bằng cưa máy có đường kính từ 70 cm đến vài mét. Sau khi cưa xẻ thành phiến theo đơn đặt hàng, lâm tặc dùng trâu tải gỗ ra khỏi rừng để đưa về xuôi.

img
Một lâm tặc đang dùng cưa máy xẻ gỗ trong rừng
Bản Nà Lâm có mười mấy nóc nhà và 42 nhân khẩu, nằm ngay cửa rừng. Già làng Hồ Xe bức xúc cho biết: “Lâm tặc vô đây phá rừng hơn 3 năm nay rồi. Cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng nhiều lắm. Trâu tải gỗ thường xuyên phá sạch hoa màu dân bản trồng mà không sao ngăn được...”. Không chỉ cây cối ngoài nương rẫy mà ngay hoa màu trong vườn cũng bị bầy trâu này phá phách. Dân bản cũng đã từng cử người ra canh giữ nhưng không thành vì bầy trâu rất hung dữ. Lâm tặc đưa vào đây 18 con trâu kéo, 1 xe IFA và hai xe công nông đầu ngang. Ít nhất mỗi ngày họ cũng có 2 xe chở đầy gỗ ra khỏi bản.

Phá rừng theo đơn đặt hàng

Ngày hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục ngược rừng lên bản Xà Khía (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy) nằm dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Một cái lán tạm được dựng ngay bên một con suối cạn, cách bản Xà Khía chừng 3 km đường rừng về phía Bắc. Buổi sáng, chúng tôi tiếp cận nhóm lâm tặc đầu tiên. Nhóm này có 3 người, đang đánh vật với một cây gõ có đường kính gần 1 m, dài chừng 15 m vừa mới bị đốn hạ. Họ lần lượt cắt cây gõ thành nhiều khúc, bóc bìa, sau đó tiếp tục cắt nhỏ theo kích cỡ của người đặt hàng.

img

Gỗ thành phẩm nằm la liệt dưới suối cạn
Thấy chúng tôi, một người trong nhóm dừng tay cưa bắt chuyện. Điếu thuốc thơm giữa rừng làm người ta xích lại gần nhau hơn. Ông Phạm T., người đàn ông lớn tuổi nhất nhóm, cởi mở: “Nhóm miềng (mình) là người thân trong họ ở bản Xà Khía. Trước đây, chặt được một cây gỗ ra khỏi rừng vất vả lắm, toàn làm bằng rìu rựa và cưa tay. Cái cưa máy ni tôi mới mua được cách đây 5 năm, giá 15 triệu đồng. Dùng tiện lắm, cây gỗ có to mấy, nằm ở góc mô cũng có thể hạ xuống được”.
Qua trò chuyện, được biết nhóm của ông Phạm T. mỗi ngày có thể xẻ được 0,7 m3 gỗ thành phẩm, thêm 2 ngày vận chuyển về bản nữa là có tiền triệu trong tay. Ông T. đang làm theo đơn đặt hàng, loại dùng để tiện chân đỡ của những bộ ván ngựa. “Hiện ở đây bọn tôi khai thác chủ yếu 3 loại gỗ là gõ, lim và sến, còn các loại khác chưa đụng đến. Người dưới xuôi nói rằng những loại gỗ này ở đây có chất lượng tốt hơn những nơi khác nên họ rất thích”.

“Sắm máy cưa là có tiền”

Ông Phạm T. nói: “Cả xã Lâm Thủy chủ yếu làm “nghề” rừng. Riêng bản Xà Khía đã có hơn hai chục chiếc cưa máy. Giá cũng tùy loại, từ 6-7 triệu đến 15-20 triệu đồng. Nhưng cứ sắm được máy cưa là có tiền vì lên rừng cưa gỗ. Trước đây, mỗi bản trong xã chia nhau mỗi lâm phần và như luật bất thành văn, không ai xâm phạm của ai. Tuy nhiên, hiện nay, các đầu nậu dẫn người dưới xuôi tràn lên nên không còn trật tự theo “lâm phần” như trước, mạnh ai nấy chặt. Dân bản địa hay dân dưới xuôi, tất cả họ đều làm công cho các đầu nậu cả...”.

Cách nhóm của ông Phạm T. làm không xa là nhóm của vợ chồng ông Hồ H., cũng ở bản Xà Khía. Hôm ấy, vợ chồng ông này đã hạ được 3 cây gỗ to, đường kính xấp xỉ 1 m. Dừng tay làm, ông Hồ H. cho biết: “Sáng nay, vợ chồng tôi chỉ đi tìm và hạ gỗ trước, chiều mới cưa xẻ”. Cả 3 cây gỗ mà vợ chồng ông H. vừa hạ đều là gõ. “Đợt ni họ đặt hàng nhiều lắm nên dân làm gỗ nhiều. Mình cưa trước rứa để làm dần, khỏi người khác họ cưa mất” - ông H. nói.

Trong một buổi đi thực tế, chúng tôi đã đếm được 7 nhóm khai thác gỗ, mỗi nhóm có từ 2 đến 5 người. Tiếng cưa máy rít lên chói tai và rền khắp cánh rừng...Dưới con suối cạn, hàng chục tấm bìa gỗ, gỗ xẻ thành phẩm vứt nằm la liệt. Một thợ rừng khoát tay, giải thích: “Gỗ này bị thải vì không đủ tiêu chuẩn. Hoặc gỗ “chính phẩm” do lâm tặc để lại giữa rừng, gặp trời mưa lũ, nước đẩy gỗ xuống các con khe, dồn ứ lại”.

Có chủ mà như vô chủ

Vùng rừng hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy được đánh giá là rừng giàu và tập trung nhiều loại gỗ quý hiếm. Rừng ở đây phần lớn thuộc sự quản lý của các ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại và các lâm trường thuộc Công ty Lâm Công nghiệp Long Đại. Mặc dù rừng đều có chủ nhưng việc ngăn chặn phá rừng không mấy hiệu quả. Khu rừng đang bị lâm tặc thi nhau tàn phá này nằm giữa bản Xà Khía và bản Bạch Đàn của xã Lâm Thủy (thuộc lâm phần của Lâm trường Khe Giữa). Rừng ở đây được hợp lại bởi những quả đồi theo dạng bát úp, có nhiều cây cổ thụ to từ 70 cm đến vài mét và tập trung đến độ dày đặc nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, táu, gõ...

Kỳ tới: Nhìn rừng chảy máu

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo