Phát biểu vào ngày 17-7 tại hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, sơ kết 3 năm phong trào thi đua xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2011-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Tôi thấy con số học sinh bỏ học, nhất là học sinh bỏ học ở ĐBSCL, giảm, tôi rất mừng nhưng đề nghị bộ trưởng kiểm tra lại xem số học sinh bỏ học cấp tiểu học đến THPT năm học vừa rồi chỉ 0,5%, có đúng như vậy không?”.
Phải cộng thời gian hè
Năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra tỉ lệ học sinh ở ĐBSCL bỏ học là 0,5% nhưng không nói rõ thời gian năm học. Nếu tính số học sinh bỏ học trong năm học 2010-2011 thì phải tính cả số học sinh bỏ học trong thời gian nghỉ hè 2011. Như vậy, tại thời điểm hội nghị này tổ chức (ngày 27-7), chắc chắn chưa thể biết chính xác số học sinh bỏ học của năm học này.
Còn nhớ hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2010-2011 với các sở GD-ĐT thuộc các tỉnh ĐBSCL (ngày 11-12-2010 tại Đồng Tháp), lúc đó là thời điểm hết học kỳ I, tỉ lệ học sinh bỏ học đã được báo cáo là có giảm nhưng vẫn còn cao so với cả nước. Cụ thể, tiểu học 0,34%; THCS 2,28%; THPT 3,53% và 5 tỉnh đứng đầu là: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Cân nhắc tỉ lệ trẻ đến trường
Theo báo cáo tổng kết năm học 2009-2010, bậc THCS có tỉ lệ bỏ học dưới 3% là ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An. Bậc THPT; các tỉnh có tỉ lệ bỏ học dưới 4% là Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang. Ở tỉnh An Giang, hệ THCS có tỉ lệ bỏ học là 4,47%, THPT là 4,76%. Căn cứ vào số liệu thống kê năm học hằng năm của Cục Công nghệ thông tin, tỉ lệ học sinh bỏ học cả nước năm qua phải gấp hơn 4 lần số liệu công bố tại hội nghị tổng kết năm học 2010-2011.
Đó là chưa nói đến việc số liệu học sinh bỏ học chỉ có ý nghĩa đầy đủ khi nó phù hợp với số liệu học sinh lưu ban, học sinh lên lớp và đặc biệt là tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường. Vì nếu trẻ em trong độ tuổi đi học mà không đến trường thì làm gì có tỉ lệ học sinh bỏ học.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng hội nghị tổng kết năm học 2010-2011 vừa qua chưa đưa ra được số liệu học sinh bỏ học của năm học vừa qua tại ĐBSCL. Còn số liệu đã có thì đã công bố tại hội nghị tổng kết năm học 2009-2010 (tháng 7-2010).
Nhiều người còn nhớ Bộ GD-ĐT đã từng đánh giá tỉ lệ học sinh tiểu học bỏ học giảm 16 lần và tỉ lệ học sinh trung học giảm 5 lần vào thời điểm kết thúc học kỳ I năm học 2007-2008. Thống kê trên không thuyết phục do đã so sánh số học sinh bỏ học học kỳ I năm học 2007-2008 với số học sinh bỏ học cả năm học trước đó (2006-2007). Việc này sau đó đã được báo chí làm rõ. |
Bình luận (0)