Trong khi Chính phủ đang nỗ lực bình ổn giá nhiều mặt hàng thiết yếu thì xăng dầu được cho là vận hành theo giá thị trường lại bình chân như vại trước đà sụt giảm khá mạnh của giá dầu thế giới.
Lên nhanh, xuống chậm
Bạn đọc ký tên Justin đặt vấn đề: “Vận hành “theo giá thế giới” kiểu gì mà khi giá thế giới lên thì nằng nặc tăng giá bán xăng dầu trong nước, còn khi giá thế giới xuống thì cứ từ từ. Không rủi ro, không sợ ế, cũng chẳng sợ cạnh tranh. Sướng thật, giới kinh doanh xăng dầu thì lời to còn người tiêu dùng thì còng lưng chịu giá đắt”.
Bạn đọc Nguyễn Hồ băn khoăn: “Làm thế nào để người dân không bị các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu “móc túi” nữa? Đóng 1.000 đồng/lít cho quỹ bình ổn đã quá bất hợp lý vì tiền này các DN cộng vào giá bán và giữ lại tự sử dụng. Có phải các cơ quan quản lý đang “bịt tai, bịt mắt” trước tình hình giá xăng dầu và tác động của nó đối với nền kinh tế?”.
Đến ngày 12-8, giá bán xăng A92 và A95 (vùng 1) vẫn còn giữ ở mức 21.300 đồng và 21.800 đồng/lít. Ảnh: Hồng Thúy
Theo bạn đọc Lê Ngọc Mạnh, người tiêu dùng có kêu ca đến mấy cũng chẳng thấm vào đâu khi ngành xăng dầu còn duy trì độc quyền bởi Petrolimex đang chiếm 60% thị phần và chi phối thị trường bán lẻ. Tổng công ty này cứ than lỗ 500 - 600 đồng/lít xăng nhưng trong cáo bạch tài chính để lần đầu chào bán cổ phần ra công chúng mới đây, Petrolimex báo cáo… lãi hàng ngàn tỉ đồng. Điều này cho thấy chuyện các DN xăng dầu than lỗ là không đáng tin, chẳng hiểu vì sao các cơ quan quản lý không làm rõ sự tù mù đó.
Bạn đọc Nguyễn Đước nêu: Thường thì khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Petrolimex liền tăng giá bán xăng dầu trong nước, còn không thì kêu Nhà nước hỗ trợ bằng cách hạ thuế, giảm trích nộp vào quỹ bình ổn để giữ giá. Tiền bù lỗ, bù giá đó, Nhà nước và người tiêu dùng phải chịu. Vậy mà khi giá xăng dầu thế giới đã giảm và có thể sẽ tiếp tục giảm nữa, Petrolimex vẫn không chia sẻ lợi ích trong tam giác quyền lợi Nhà nước - DN - người tiêu dùng. Rõ ràng, một khi các DN xăng dầu còn được xem là “con cưng” thì thị trường này còn méo mó.
Tạo môi trường cạnh tranh
Bạn đọc Hoa Hồng lập luận: “Trong nền kinh tế thị trường, việc hạch toán lỗ - lãi là bí mật của DN. Nhà nước chỉ điều tiết bằng thuế và các công cụ khác. Nếu nói chuyện Nhà nước sẽ quản lý chi phí, giá bình quân là nói… trên giấy".
"Chẳng hạn như Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản, lỗ - lãi trong hoạt động phát điện hạt nhân của công ty này chính phủ Nhật không kiểm soát. Sau sự cố động đất và sóng thần vừa rồi, TEPCO phải tự lo chi phí bù đắp, lỗ nặng, thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản. Còn ở ta, các bộ - ngành cứ đòi quản lý chi phí, tính giá bán, thời điểm tăng/giảm giá... Làm như vậy khác gì đuổi hình bắt bóng”.
Nhiều bạn đọc cùng đề nghị phải kiểm toán độc lập để làm rõ các khoản lỗ - lãi mà Petrolimex và một số DN xăng dầu đầu mối đang kêu than để minh bạch, bảo đảm công bằng trong điều hành giá và người tiêu dùng bớt bị thiệt thòi. “Nên giao hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay cho nhiều thành phần DN khác nhau nhằm tạo sự cạnh tranh đúng nghĩa.
Qua đó, các DN sẽ phải có chiến lược kinh doanh tốt hơn, tiết giảm chi phí, giảm giá bán… Nhờ vậy, Nhà nước và người tiêu dùng sẽ được lợi nhiều hơn” - bạn đọc Mạnh Hùng đề nghị.
Bạn đọc Quang Lê cho rằng: “Nếu không giảm giá xăng thì hãy tăng thuế nhập khẩu và lấy tiền đó bù lỗ sau này phòng khi xăng tăng giá trở lại. Trong trường hợp sau này giá xăng vẫn ổn định thì dùng khoản tiền đó xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường, an sinh xã hội…”.
Hầu hết bạn đọc cùng nhận định: Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là bộ phận cấu thành cơ hữu trong cơ cấu giao thương hàng hóa. Do đó, giảm giá xăng dầu vào lúc này sẽ giúp giảm giá nhiều sản phẩm hàng hóa, người tiêu dùng sẽ bớt khó khăn, đà lạm phát theo đó cũng sẽ chậm lại. |
Bình luận (0)