Từ năm 2008 đến nay, Ngân hàng (NH) Nhà nước chỉ chọn lọc một số doanh nghiệp (DN) có uy tín cấp phép nhập khẩu vàng khi thị trường nóng sốt, đồng thời hạn chế xuất khẩu vàng nguyên liệu, song DN vẫn tha hồ xuất khẩu bằng cách núp bóng nữ trang. Trong khi đó, các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
20 lần sửa vẫn chưa xong
Tuy xuất nhập khẩu vàng là hoạt động bình thường của nền kinh tế nhưng những tác động không tốt của nó đến thị trường ngoại tệ rất lớn, từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu ổn kịnh kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Việt Nam.
Trước tình hình đó, cuối tháng 2-2011, Chính phủ đã giao cho NH Nhà nước quản lý thị trường vàng, trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối xuất nhập khẩu…
Thế nhưng, sau 20 lần chỉnh sửa, đến cuối tháng 6-2011, dự thảo nghị định đã được NH Nhà nước công bố. Dù vậy, tại thời điểm này, nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vẫn chưa được ban hành, nguyên nhân được cho là các bộ, ngành, DN… chưa đồng thuận một số nội dung của dự thảo. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về quản lý kinh doanh vàng theo hướng xuất - nhập linh hoạt để giá vàng trong nước luôn ngang bằng với giá thế giới, đưa thị trường vàng vào khuôn khổ pháp luật.
Sau khi chạm đỉnh 46,2 triệu đồng/lượng vào ngày 9-8, hai ngày nay giá vàng trong nước đã giảm dần. Ảnh: HỒNG THÚY
Theo dự thảo nghị định này, NH Nhà nước là cơ quan duy nhất điều hành, chọn lọc một số đơn vị thực hiện xuất nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện NH Nhà nước chỉ kiểm soát được việc nhập khẩu vàng nguyên liệu (nhập chính thức), còn việc xuất khẩu vàng nguyên liệu nhưng núp bóng dưới dạng vàng nữ trang xem như “ngoài vùng phủ sóng”. Thậm chí, để có được số liệu xuất khẩu vàng, NH Nhà nước phải “xin” từ Tổng cục Hải quan.
Thực tế, DN có thể “đội lốt” xuất khẩu vàng nguyên liệu bằng cách hạ hàm lượng, trọng lượng đối với sản phẩm vàng nữ trang. Trong khi đó, ngành hải quan lại không có đủ công cụ để xác định đâu là sản phẩm nữ trang vàng có hàm lượng 80%- 99%, trọng lượng sản phẩm trên hay dưới 1 ounce. Như vậy, quy định về thuế suất (10%) sẽ tiếp tục tạo kẽ hở cho các DN xuất khẩu vàng nguyên liệu.
Cần cơ chế “bình thông nhau”
Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý NH Sài Gòn Thương Tín, cho rằng NH Nhà nước cần có giải pháp căn cơ đối với thị trường vàng trong nước và thế giới. “Hai thị trường này phải thông nhau, còn nếu mở van xuất, khóa van nhập sẽ không thể giải quyết được vấn đề” – bà Chi nói.
Trao đổi với báo giới, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ có những quy định phù hợp cho xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu trong thời gian tới. Có thể NH Nhà nước trực tiếp xuất hoặc ủy quyền cho một số DN, NH thương mại thay mặt NH Nhà nước xuất nhập khẩu vàng. Những đơn vị đáp ứng được các tiêu chí sẽ được NH Nhà nước chọn thu mua vàng trong dân cho NH Nhà nước và có thể được ủy quyền để xuất số vàng đó…
Giá vàng giảm thêm 500.000 đồng/lượng Giá vàng trong nước ngày 12-8 giảm khá mạnh. Lúc 15 giờ, các thương hiệu vàng lớn tại TPHCM niêm yết giá vàng quanh mức mua vào 44,5 triệu đồng/lượng, bán ra 44,75 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội, vàng được giao dịch lần lượt là 44,45 triệu đồng/lượng mua vào, 44,8 triệu đồng/lượng bán ra. So với chiều hôm trước, giảm 500.000 đồng/lượng. Thị trường vàng đang trở lại ổn định sau những ngày “bão”. Chênh lệch mua bán cũng được rút ngắn, giá không còn biến động mạnh trong ngày dù giá thế giới thay đổi liên tục. Cùng lúc, giá vàng thế giới ở mức 1.759 USD/ounce, giảm 25 USD/ounce so với chiều hôm trước. Giá thế giới giảm mạnh sau áp lực chốt lời của các nhà đầu tư. Quỹ dự trữ vàng SPDR Gold Trust hôm qua tiếp tục bán ra 23 tấn vàng, giảm mức nắm giữ, còn 1.272 tấn.
Bình luận (0)