xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người đàn ông có hai ngày tận thế

Bạch Mai

Người đàn ông đó là nhà văn trào lộng Pháp Jean-Louis Fournier. ông viết về hai đứa con trai tật nguyền để làm quà tặng cho con mà mỗi dòng, mỗi ý đều gõ nhịp yêu thương tê tái lên tâm hồn người đọc

Tôi thích ngắm những em bé đẹp. Nhưng tôi đặc biệt quan tâm những em bé có vấn đề về não, từ khi sinh ra đời. Trong mắt tôi, đó là những thiên thần mắc đọa: thiên thần nghịch ngợm quá nên bị đưa xuống trần gian và đã không thể sống trọn vẹn là mình giữa vô vàn đồng loại. Những khi viết, tìm hiểu và nhìn ngắm những thiên thần này, tôi đều rơi nước mắt. Hai anh em Mathieu và Thomas trong cuốn sách Ba ơi, mình đi đâu? (tác giả: Jean-Louis Fournier; người dịch: Phùng Hồng Minh; Công ty Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2011) là những đứa trẻ như thế.

Chúng mềm oặt như búp bê bằng vải, khi lớn lên phải mặc quần áo chỉnh hình bằng da và kim loại mạ crôm sáng choang. Với bộ quần áo đó, hai anh em trông giống chiến binh La Mã. Tôi thờ thẫn cả người trước những điều mà ông bố của chúng đau xót ghi lại: “Buổi tối, tôi phải dùng cờ-lê để cởi quần áo cho chúng, phần thân trên còng queo của hai con có những vết bầm tím do cái khung kim loại đè lên và tôi gặp lại hai chú chim non trụi lông đang run rẩy”. Quả thật, thượng đế đã nặng tay với ông, đã ban cho ông đến hai ngày tận thế: ngày sinh đứa con trai đầu lòng Mathieu và ngày sinh đứa con trai thứ hai Thomas. 

img

Nhà văn Pháp Jean-Louis Fournier

Lần đầu tiên trong cuộc đời viết lách của mình, Jean-Louis viết về hai đứa con trai tật nguyền để làm quà tặng cho con mà mỗi dòng, mỗi ý đều gõ nhịp yêu thương tê tái lên tâm hồn người đọc. Từ lúc mở cho đến lúc khép lại cuốn sách, những ai đã làm cha, làm mẹ của những đứa con bình thường và những ai làm cha, làm mẹ của những đứa con tật nguyền đều cảm nhận được niềm hạnh phúc của mình, ở ngay chính vị trí mình được chọn với những gì thượng đế gửi kèm theo. Hạnh phúc không phải lúc nào cũng là gương mặt cười mà đôi khi được nhận ra bởi một chân dung khác thường, như con chim vẫn có đầy đủ lông cánh nhưng lại không thể bay lượn trên bầu trời vì khi sinh ra nó đã có khiếm khuyết: Mắc chứng chóng mặt! Đúng là khác thường.                 

Jean-Louis đã cố gắng nhìn hai thiên thần của mình bằng con mắt vui vẻ: Nếu một đứa trẻ ra đời là một điều kỳ diệu thì một đứa trẻ tật nguyền ra đời là điều kỳ diệu ngược lại. Tuy nhiên, chính vì điều đó mà khi đọc ông, người ta rất dễ dàng muốn khóc. Ở những đứa trẻ tật nguyền theo kiểu “trong đầu có rơm”, “lúc nào cũng tưởng mình là xe ô-tô”, “lúc nào cũng chỉ hỏi một câu duy nhất không biết chán”… chẳng bao giờ có chuyện chán nản, chẳng bao giờ có chuyện buồn rầu, chẳng có gì lỗi thời, mọi việc luôn mới mẻ. Mathieu chỉ thích chơi trò ném bóng, chỉ một trò đó thôi trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của nó. Ném bóng vào đâu đó, rồi nắm lấy tay bố mẹ cùng đi tìm quả bóng. Đó là cách duy nhất để Mathieu kết nối với bố mẹ. Tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc mấy dòng ông viết về con trai: “Giờ thì Mathieu đã ra đi tự mình tìm bóng. Nó đã ném quả bóng đi quá xa, đến một nơi mà chúng tôi không thể giúp nó lấy lại quả bóng được nữa…”.

Còn Thomas, bây giờ vẫn tóp tép nhai con gấu bông cũ, vóc dáng ngày càng còng xuống, ngày càng cần đến chiếc xe lăn, miệng luôn chảy nước dãi lòng thòng, có người bạn tên Martini - là bàn tay của mình. Thomas thích nói chuyện với bàn tay và có lẽ chỉ bàn tay mới hiểu những gì cậu ấy nói. Thay mặt những ông bố có con “trong đầu toàn rơm”, ông nghẹn ngào viết lên niềm kiêu hãnh: “Khi cả đời người ta có những đứa con chơi với mấy khối hình và một con gấu bông, thì lúc nào người ta cũng trẻ. Người ta không biết mình ở giai đoạn nào nữa. Tôi luôn nghĩ tôi ba mươi tuổi…”.

img

Bìa cuốn sách Ba ơi, mình đi đâu?

Dẫu Mathieu và Thomas có như thế nào đi nữa, đó vẫn là hai thiên thần của ông. Và dẫu không muốn chút nào qua bút pháp trào phúng độc đáo, Jean-Louis Fournier vẫn làm người đọc phải khóc vì tình yêu sâu thẳm của ông dành cho con trai, khi lần đầu tiên ông dám đối mặt với nỗi đau tật nguyền của con bằng văn chương. Không thể định được tuổi của các con tôi. Mathieu không có tuổi. Còn Thomas chắc đã một trăm. Đó là hai cụ già lưng còng bé bỏng, không còn hoàn toàn tỉnh táo nhưng lúc nào cũng dễ thương và tình cảm. Những lời yêu thương này, Mathieu và Thomas không bao giờ đọc được dù chỉ dành riêng cho hai anh em. Đây không chỉ là lời người cha, mà hơn thế nữa, đó là khúc hát vừa ngọt ngào vừa đau đớn của tình phụ tử khi đứng trước trò đùa của số phận.

Ba ơi, mình đi đâu?, một cuốn sách nhỏ nhưng thực sự là kiệt tác. Không lên lớp giáo dục ai, bằng chính chuyện thật của gia đình, Jean-Louis Fournier thì thầm với chúng ta một điều không bao giờ cũ với thời gian, với mọi gia đình: Làm cha mẹ phải luôn yêu thương con cái, cho dẫu chúng là đứa trẻ tật nguyền, không xinh đẹp!  Những đứa trẻ như Mathieu và Thomas không thiếu trong cuộc đời này…

Jean-Louis Fournier là đạo diễn phim truyền hình đồng thời là nhà văn trào lộng Pháp đã viết một số tác phẩm nổi tiếng: Thưa ba, nó không bao giờ giết người (1999), Những con chữ giàu, những con chữ nghèo (2004), Mớ tóc đen (2006)… Đến năm 2008, lúc này ông đã 70 tuổi, cuốn sách Ba ơi, mình đi đâu? được xuất bản và ngay trong năm đó đã đoạt giải Fémina, trở thành tâm điểm của mùa sách văn học Pháp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo