xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Theo dấu chân bò tót

VÂN TRƯỜNG

Xuất hiện đầu năm 2008 tại rừng Ma Nới, đến nay nhiều cá thể bò tót đã được ghi nhận ở Vườn Quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái - Ninh Thuận

Đầu tháng 8-2011, chúng tôi được ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái – Ninh Thuận, báo tin một con bò tót đực lại xuất hiện tại thôn Bạc Rây 2 của bà con dân tộc thiểu số Raglai ở xã Phước Bình. Từ lâu vốn háo hức được chứng kiến cảnh loài mãnh thú của đại ngàn này sống chung với bò nhà, một hiện tượng hiếm thấy, chúng tôi lập tức lên đường.

Ngày càng thân thiện

Ông Nguyễn Công Vân cho biết con bò tót đực này đã từng nhiều lần xuất hiện ở Bạc Rây 2. Sau một thời gian trở về rừng sâu, nó đã quay lại, cùng sinh hoạt với đàn bò nhà được chăn thả trên nương rẫy theo tập quán du canh của bà con Raglai.

Chúng tôi theo cán bộ kiểm lâm vào Tiểu khu 19 và 20 của Vườn Quốc gia Phước Bình. Chọn một khộp đá cao, khá kín đáo giữa mênh mông rừng xanh và đồng cỏ, chúng tôi hồi hộp quan sát bò tót từ khoảng cách chừng 100 m. Lần đầu tiên nhìn thấy bò tót, chúng tôi không khỏi giật mình ngỡ ngàng vì vóc dáng khổng lồ của loài thú này, ít ra cũng gấp 3-4 lần bò nhà. Lừng lững nhưng đầy thân thiện, nó thong dong gặm cỏ với mấy chú bò nhà.

“Cứ thấy con vật to đùng, đen thui, 2 sừng dài nhọn hoắt, bà con tụi tôi ai cũng sợ, không dám đến gần”- anh Chamaléa Tâu, một người Raglai ở địa phương đi theo đoàn, lo ngại. Tuy nhiên, gần một giờ quan sát, chúng tôi không thấy bất kỳ hành động thiếu thân thiện nào của con bò tót đối với đàn bò nhà, dù phong thái của nó vẫn rất uy mãnh, chỉ có điều xoay trở hơi nặng nề.
Anh Chiến, kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Phước Bình, cho rằng so với lần đầu tiên về làng Bạc Rây 2 vào tháng 9-2008, con bò tót này hiện đã thuần tính hẳn, sự hung hãn của nó 10 phần chỉ còn 1-2.
“Lần đầu tiên về rẫy kiếm ăn năm 2008, nó đã húc bị thương 3 người - trong đó có một trẻ em, làm chết một con bò nhà, ủi sập 2 chòi canh và phá nát hàng chục hecta hoa màu của bà con.
Sau mấy ngày quần thảo, nó bỏ đi mất hút. Khoảng tháng 10-2010, con bò tót này lại “tái xuất giang hồ”. Dù chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm lúc đó đã triển khai nhiều biện pháp để đuổi bò tót về rừng, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân nhưng gần như toàn bộ diện tích nương rẫy ở thôn Bạc Rây 2 phải bỏ hoang vì ai cũng sợ bị nó tấn công”- ông Nguyễn Công Vân nhớ lại.
img

Con bò tót này thường xuyên về sống chung với bò nhà ở thôn

Bạc Rây 2, thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình. Ảnh: Vân Trường

Anh Phạm Văn Thành, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bạc Rây, cho biết ngay từ những trận mưa đầu mùa vào cuối tháng 6 năm nay, con bò tót này đã về, sớm hơn năm trước gần 3 tháng.
Theo ghi nhận của trạm, quy luật đi - về của nó khá rõ ràng: Giữa buổi sáng, từ rừng xuống rẫy kiếm cỏ và sinh hoạt với bò nhà nhưng không phá phách như trước đây, chập choạng tối trở lại rừng. “Điều này chứng tỏ con vật đã hiền lành vì cảm nhận được sự an toàn xung quanh nó”- ông Vân nhận xét.
“Tại sao chỉ có mỗi con này nhập bầy với bò nhà, trong khi cả hai vùng rừng Phước Bình và Ma Nới có ít nhất 3-4 đàn bò tót được ghi nhận?”- chúng tôi thắc mắc.
Ông Nguyễn Công Vân cho rằng có thể đây chính là con bò tót đầu đàn nhưng hiện đã già, không đủ sức làm “đại ca” nữa nên bị đào thải, đành phải về rẫy sống với bò nhà. “Nếu đúng như suy đoán này thì về mặt sinh thái, đây là tín hiệu đáng mừng vì chứng tỏ quần thể bò tót ở vùng rừng Ninh Thuận đang phát triển tốt, có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong bầy đàn”- ông Vân nhìn nhận.

Vốn quý của đại ngàn

Bò tót không chỉ có ở rừng Phước Bình. Loài thú quý hiếm này còn được ngành NN-PTNT Ninh Thuận ghi nhận đang hiện diện tại vùng rừng Ma Nới thuộc huyện miền núi Ninh Sơn, giáp ranh tỉnh này với Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Sĩ Đức, Trưởng Phòng Lâm sinh, Chi cục Lâm nghiệp - Sở NN-PTNT Ninh Thuận, nhớ lại: “Khoảng đầu năm 2008, một số người dân Raglai ở Ma Nới báo tin họ phát hiện nhiều dấu chân và phân của bò tót ở Tiểu khu 128, thuộc lâm phần của xã này. Đối với những người công tác trong ngành lâm nghiệp, nguồn tin ấy còn quý hơn vàng. Lãnh đạo Sở NN-PTNT Ninh Thuận lập tức lên phương án, cử nhóm cán bộ kiểm lâm nhiều kinh nghiệm tức tốc vào rừng để xác tín thông tin, tìm mọi cách ghi lại hình ảnh bò tót nếu chúng xuất hiện”.

Trong chuyến xuyên rừng ấy, người được giao trách nhiệm chính là kiểm lâm viên Nguyễn Văn Hữu. Những tấm ảnh do anh Hữu chụp đã chứng minh ít nhất có đến trên 20 con bò tót đang sống quần cư ở rừng Ma Nới. Tư liệu lưu trữ của ngành NN-PTNT Ninh Thuận cho thấy khu vực bò tót thường xuất hiện để kiếm ăn và vui đùa là vùng rừng hỗn giao còn khá nguyên sinh, ở độ cao ít nhất hơn 1.000m so với mặt nước biển, đặc biệt phải có nhiều cỏ tươi vào đầu mùa mưa- khoảng từ giữa tháng 8 hằng năm.
img
Một số cá thể bò tót được ghi nhận từ năm 2008 tại rừng Ma Nới. Ảnh: Nguyễn Văn Hữu
Khu vực này cách trung tâm xã Ma Nới trên 10 km. Theo ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTTT tỉnh Ninh Thuận, sở dĩ bò tót chọn vùng rừng vắng để ngụ cư vì chúng là loài dã thú cực kỳ thính hơi và rất nhạy cảm với ánh lửa. Chỉ cần nhìn thấy thoáng bóng người là chúng lao đến tấn công ngay hoặc nếu bị động là biến thẳng vào rừng sâu.
Trở lại chuyện con bò tót đực ở vùng rừng Phước Bình, điều gì khiến mãnh thú này ngày càng trở nên thuần tính như vậy? Ông Nguyễn Công Vân lý giải: “Bò tót là vốn quý của đại ngàn. Là loài thú quý hiếm nên nếu ở những vùng rừng khác, chỉ cần bò tót xuất hiện là khó thoát khỏi họng súng của thợ săn, huống hồ về ngay trong rẫy.
Tuy nhiên, tại Phước Bình, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên bà con ý thức rất cao về việc tự bảo vệ mình nhưng không xâm hại tính mạng bò tót”. Ông Vân cho biết khoảng 10 gia đình Raglai ở thôn Bạc Rây 2 cùng với lực lượng kiểm lâm đã lập một tổ cảnh báo để đề phòng những con bò tót hung hãn xuất hiện đột ngột, đồng thời cũng để bảo vệ chúng.

Hiện ngành NN-PTNT Ninh Thuận đã lập dự án bảo tồn bò tót gửi đến Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF). Dự án gồm các tiểu phần chính: Điều tra vùng phân bố bò tót; tính toán số lượng, bầy đàn và phương án bảo vệ; theo dõi tập tính, nguồn thức ăn và khả năng lai tạo giữa bò tót và bò nhà…

Lai F1 bò tót

Bò tót (tên khoa học là Bos gaurus) sinh sống chủ yếu ở vùng rừng núi của Ấn Độ và Đông Nam Á. Con bò tót trưởng thành có thể cao đến 1,9  - 2 m, nặng 800 - 1.000 kg, con đực thậm chí lên tới 2.000 kg.
Tại Việt Nam, bò tót được người dân tộc thiểu số gọi là con min (người Raglai ở Ninh Thuận còn gọi là kvây, nghĩa là trâu rừng, do chúng có hình dáng tương tự loài trâu). Bò tót được các chuyên gia động vật học trên thế giới xác định là loài bò rừng lớn nhất trong tự nhiên, thuộc nhóm quý hiếm cần bảo vệ nghiêm ngặt.
img

Con bê được cho là thế hệ lai F1 của con bò tót và bò nhà. Ảnh: Vân Trường

Theo ghi nhận của Vườn Quốc gia Phước Bình, sau một thời gian con bò tót đực về sống chung với bò nhà, có 3 con bê (hơn một năm tuổi) được cho là con lai của bò tót với bò nhà vì chúng có vóc dáng, màu sắc, lông cổ và tập tính khá lạ so với bò nhà thuần chủng.
Vườn Quốc gia Phước Bình đang có kế hoạch mua thêm bò cái trưởng thành thả vào khu vực bò tót xuất hiện để theo dõi và hy vọng sẽ có thế hệ lai F1 bò tót.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo