xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kho báu của “ông Hoàng Sa”

Bài và ảnh: VĂN MỊNH

Gần 40 năm qua, ông đã tìm kiếm, lưu giữ hàng ngàn cổ vật, hàng trăm tài liệu liên quan đến chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như hiện vật văn hóa trên đảo Lý Sơn

Ở huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, nói đến người đang lưu giữ và sở hữu những cổ vật có giá trị lịch sử xác tín chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng những tài liệu quý liên quan đến Đội Dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa) thì già trẻ hầu như ai cũng biết.
Chính vì sự am hiểu cũng như tâm huyết đối với biển đảo nước nhà mà ông được nhiều người gọi là “ông Hoàng Sa”.

Tài sản vô giá

Ông là Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ đời thứ 5 của Cai đội Phạm Hữu Nhật, một trong những vị chánh cai đội nổi tiếng gan góc và can trường trong Đội Dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa, người đã vâng mệnh triều Nguyễn dong thuyền rẽ sóng đưa quân ra Hoàng Sa, Trường Sa để làm nghĩa vụ thiêng liêng: Vừa khai thác sản vật, đo đạc thủy trình vừa dựng bia, cắm mốc chủ quyền quốc gia trên 2 quần đảo này.

Tiếp chúng tôi ngay từ đường họ Phạm của gia đình tại thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, ông Phạm Thoại Tuyền vẫn không ngừng tay lau chùi, sắp xếp lại những cổ vật, những trang tài liệu quý.
Ông đã biến từ đường gia đình mình thành một viện bảo tàng thật sự. Hàng ngàn cổ vật, hàng trăm tài liệu được ông gìn giữ, bài trí cẩn thận và trang trọng trong những chiếc tủ kính. Trong số những tài liệu độc nhất vô nhị đó, có cả một sắc chỉ của vua Gia Long ca ngợi những người đi Hoàng Sa.

Với chất giọng đặc sệt của người  dân vùng biển xứ Quảng, ông Tuyền tâm sự: “Tôi muốn giữ lại tất cả những gì liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Lý Sơn, từ các hiện vật cũ kỹ đến những tài liệu liên quan đến chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những tư liệu viết về Đội Dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa…  Đối với một số người, những thứ này có thể chẳng giá trị gì nhưng với tôi, chúng là tài sản vô giá, gắn liền với cuộc sống của mình”.

img

Ông Phạm Thoại Tuyền và những tài liệu quý liên quan đến chủ quyền nước ta ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Để có được kho hiện vật, tài liệu đồ sộ này, cả đời ông Tuyền đã miệt mài tìm kiếm, sưu tập, lưu giữ. Giới thiệu với chúng tôi bàn thờ tổ tiên họ Phạm, trong đó có hai người đã được đặt tên cho hai đảo trên quần đảo Hoàng Sa - Hữu Nhật và Quang Ảnh, ông thổ lộ: “Những hiện vật, tài liệu này quý không phải ở chỗ giá trị kinh tế mà vì chứa đựng nhiều giá trị lịch sử của gia đình, dòng tộc, của địa phương và cả của quốc gia liên quan đến chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi cha ông tôi và hàng trăm dân binh Lý Sơn đã từng gắn bó, gìn giữ”.
Ông Phạm Thoại Tuyền cho biết ngay từ khi đến tuổi trưởng thành, trong tâm khảm ông luôn cháy bỏng câu “Tổ tiên khai sáng xây cơ nghiệp, hậu thế tâm thành nguyện phát huy”.
Hai câu này được khắc trên liễn thờ tại khu nghĩa trang thủy tổ họ Phạm ở đảo Lý Sơn. Theo ông Tuyền, ước nguyện mà bấy lâu ông luôn ấp ủ, theo đuổi là truyền lửa cho lớp hậu sinh về trách nhiệm phải bảo tồn, lưu giữ những giá trị thuộc về lịch sử của cha ông, tổ tiên để lại.

“Kẻ gàn dở”

Bà Phạm Thị Thừa, vợ ông Tuyền, cho biết từ sau ngày đất nước thống nhất, ông bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu về những cổ vật, tài liệu quý liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Lý Sơn, “để con cháu biết được công lao của cha ông mình”. Dù đang làm gì, dù có bận đến mấy nhưng mỗi khi nghe tin bất kỳ ở đâu có người phát hiện hiện vật cổ khi đào móng làm nhà, khi thay đất trồng hành tỏi…, ông lại bỏ công việc, vội vàng tìm đến.
“Có rất nhiều cổ vật, lúc đầu người ta không hiểu về giá trị của chúng, định vứt bỏ nhưng tôi đã “linh cảm” được tầm quan trọng nên tìm đến xin mang về cất giữ hoặc mua lại. Không ít lần, để mua một món đồ cổ mà người dân vừa đào được, tôi đã mất cả tháng trời nài nỉ, thuyết phục”- ông Tuyền tiết lộ.

Muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trước hết phải bảo vệ, lưu giữ những giá trị văn hóa, di sản của cha ông để lại.
Ông Phạm Thoại Tuyền
Thoạt đầu, những người hàng xóm và cả người thân trong gia đình cứ thấy ông Tuyền cả ngày luôn bận bịu, nâng niu lau chùi, sắp xếp những món đồ cũ nát, mốc meo theo năm tháng, đã cho ông là “kẻ gàn dở”. Tuy nhiên, ông chẳng nói chẳng rằng, cứ miệt mài thực hiện công việc tâm huyết của mình.
Sau gần 40 năm tìm kiếm, sưu tầm, đến nay ông Tuyền đã có hàng ngàn món cổ vật, từ chén, bát, lư hương đến các ấn tín của nhiều đời vua.
Trong đó, không ít cổ vật có niên đại cả vài ngàn năm và nhiều cổ vật liên quan đến Đội Dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn.
Hằng năm, khi vùng đất miền Trung nói chung và huyện đảo Lý Sơn nói riêng phải đối mặt với những trận bão dữ, ông Tuyền lại canh cánh nỗi lo phải bảo vệ kho cổ vật, tài liệu của mình.
“Muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì trước hết phải bảo vệ, lưu giữ những giá trị văn hóa, di sản của cha ông để lại. Vì thế, khi bão tới, trước hết tôi phải lo tìm chỗ chôn cất những tài liệu, cổ vật quý này”- ông Tuyền cho biết.
Những năm gần đây, nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu khoa học nghe tiếng “ông Hoàng Sa” và kho cổ vật, tài liệu của ông đã không quản đường sá xa xôi cách trở, từ đất liền ra đảo Lý Sơn để hỏi han, tìm hiểu.
Nhiều người cho rằng kho cổ vật, tài liệu mà ông Tuyền đang sở hữu chứa đựng rất nhiều giá trị về các nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, đặc biệt là dấu tích của người Việt trên các đảo ở biển Đông từ cuối thế kỷ XVI đến nay.
“Lúc này là thời điểm nhà Nguyễn tổ chức các đội dân binh và hình thành nên lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, nhằm tiễn biệt và tri ân hàng trăm dân binh trong Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã quên mình xả thân vì nước khi nhận nhiệm vụ thiêng liêng”- ông Tuyền giải thích.
img
Ông Phạm Thoại Tuyền bên cây “Vọng phu Hoàng Sa” trước sân nhà
Ngoài sưu tập các cổ vật ra, ông Tuyền còn cố công lưu giữ hàng trăm ngàn tài liệu quý liên quan đến Đội Dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cùng hàng trăm bài viết về chủ quyền nước ta ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của các nhà nghiên cứu, nhà sử học trong và ngoài nước.
Các tài liệu này được ông cắt dán, bảo quản cẩn thận bằng cách lồng vào các bìa ni lông trắng rồi đóng thành từng cuốn theo từng thời điểm lịch sử. Đến nay, ông đã có 4 cuốn sổ dày cả trăm trang như vậy.

“Tôi sẽ tiếp tục công việc sưu tầm và lưu giữ cổ vật, tư liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo nước ta nói chung và văn hóa Lý Sơn nói riêng”- người đàn ông đã ngoài 60 tuổi quả quyết.

Trách nhiệm công dân

Trong nhiều năm qua, ông Phạm Thoại Tuyền đã hiến tặng Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi nhiều cổ vật và tư liệu quý là những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; bổ sung vào kho tư liệu nghiên cứu, chứng minh bề dày văn hóa của đảo Lý Sơn... “Tôi sẵn sàng cống hiến những bộ sưu tập, tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Lý Sơn cho Nhà nước, để những giá trị truyền thống, công lao của cha ông được nhiều người biết đến”- ông Tuyền bộc bạch.

Theo TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, những đóng góp của ông Phạm Thoại Tuyền trong việc phục vụ nghiên cứu về văn hóa, lịch sử nước nhà nói chung và đảo Lý Sơn nói riêng thời gian qua có ý nghĩa hết sức thiết thực. Điều đó thể hiện trách nhiệm của công dân cũng như tinh thần yêu nước trong việc xác tín chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo