Liên quan đến vụ cơ quan chức năng thị xã Thuận An - Bình Dương triệt phá hai đường dây chăn dắt người ăn xin (Báo Người Lao Động ngày 12-8), chiều 12-8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sa, cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội cơ sở 3 (gọi tắt là trung tâm, thuộc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương), cho biết tại cơ quan công an, 3 đối tượng chăn dắt khai tên Lý Thị Hà (SN 1981), Đới Sỹ Trường (SN 1979, chồng của Hà) và Đới Thị Dung (SN 1975, chị ruột của Trường, cùng ngụ huyện Hậu Lộc - Thanh Hóa).
Năm người đàn ông (tuổi từ 48 đến 78) bị chăn dắt đi ăn xin đều có tật ở tay, chân hoặc mặt hiện đã được đưa vào trung tâm ăn ở.
Ông Phạm Bá Long (51 tuổi, quê Thanh Hóa) kể: Thông qua mai mối, các đối tượng chăn dắt nói trên đã về tận nhà ông ở quê và cho gia đình ông một chiếc ti vi màu. Cả nhà xem chiếc ti vi này như của báu. Sau đó, kẻ chăn dắt bảo ông vào Nam làm ăn sẽ có tiền trả nợ ti vi và có tiền gửi về quê. Thế là ông theo họ vào Bình Dương.
Nghĩ rằng vào Nam, tệ lắm cũng bán tăm, bán vé số nhưng cuối cùng kẻ chăn dắt bắt ông phải ăn mặc dơ bẩn, sống đời ăn mày để mang tiền về cho chúng.
Đới Thị Dung - đối tượng chăn dắt (giữa) và hai người ăn xin
Những người ăn xin do Hà - Dung - Trường cai quản đều khai họ đã ứng hơn 2 triệu đồng của “chủ”. Ông Vũ Đợi (48 tuổi) cho biết mình đã ứng trước 2 triệu đồng từ Hà để gửi về cho vợ con. Bình quân một ngày ông xin được từ 100.000-200.000 đồng.
Tuy nhiên, 3 năm nay, Hà trả lương cho ông chỉ từ 400.000 đến 500.000 đồng/tháng. Lương sẽ được Hà cộng dồn. Khi thanh toán xong khoản tiền ứng trước thì Hà gửi tiền dư về quê cho gia đình những người ăn xin.
Theo ông Nguyễn Văn Sa, Lý Thị Hà là đối tượng có dấu hiệu chăn dắt chuyên nghiệp. Năm 2009, “thuộc hạ” của Hà là Nguyễn Hữu Kiệm hành nghề ăn xin bị đưa vào trung tâm, được Hà đến bảo lãnh. Khi ấy, do nhận thấy con dấu trên đơn xin bảo lãnh và con dấu trên CMND có dấu hiệu làm giả nên ông Sa hỏi dồn khiến Hà hoảng sợ, vội chạy khỏi trung tâm.
“Nếu kẻ chăn dắt làm giả giấy tờ bảo lãnh không được thì chúng thông báo về quê để người thân vào bảo lãnh. Nhiều người được lãnh ra rồi lại bắt đi ăn xin. Rất nhiều trường hợp bị đưa về trung tâm đến 3 lần” - ông Sa nói.
Sáng 12-8, lãnh đạo Công an phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An cho biết sẽ bàn giao 3 kẻ chăn dắt ăn xin cho Công an thị xã xử lý.
Bình luận (0)