Biết rõ thị phần của múa trên thị trường nhưng lâu nay mỗi đơn vị đều hoạt động đơn lẻ, không đủ sức khuấy động thị trường nên nghệ thuật múa chưa tạo nên những hiệu ứng như khả năng vốn có.
Nghệ thuật cộng hưởng
Không giống như múa minh họa đang chiếm thị phần lớn trên showbiz Việt, nghệ thuật múa chuyên nghiệp đòi hỏi rất nhiều yếu tố cộng hưởng. Những đêm diễn như Vũ của Linh Nga trước đây hay Sen đang diễn ra, hiệu ứng của đêm diễn không chỉ bắt nguồn từ tài năng của các biên đạo, diễn viên mà còn là sự cộng hưởng của âm nhạc phù hợp, ánh sáng hợp lý, có thể làm nên một tiết mục múa trọn vẹn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm sao tập trung được lực lượng diễn viên múa lớn cho một vở múa.
Nghệ sĩ Đặng Hùng nói vui: “Nếu một chương trình nào đó mời một ca sĩ, họ chỉ cần một chiếc xe hơi 4 chỗ để vận chuyển nhưng nếu cần một tiết mục múa, họ cần phải thuê xe 45 chỗ mới chở hết diễn viên”.
Chung tay vỗ nên kêu
Vở kịch múa Chuyện kể những chiếc giày tạo được hiệu ứng đáng kể như đã thấy là nhờ có sự bắt tay của rất nhiều nghệ sĩ. Ngoài nhân vật chính, diễn viên múa Thùy Chi, chương trình còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ múa khác: Ngọc Khải, trở về sau hơn 2 năm học và biểu diễn múa tại Thụy Sĩ và Hà Lan; Phạm Bảo Trung, Ngô Thụy Tố Như, Ngô Thanh Phương, Tô Thị Thu Hằng... cùng các diễn viên vũ đoàn Arabesque. Không chỉ đông đảo về lực lượng, công tác biên đạo cũng là sự hợp lực của các nghệ sĩ: Noriko Kuroe, Tố Như, John Huy Trần, Thùy Chi, Ngọc Khải, Bảo Trung, Minh Tâm và Tấn Lộc.
Ngoài Trường Múa TPHCM chủ yếu tập trung công tác đào tạo, hiện nay, hai đơn vị có nhân lực dồi dào, đủ sức để thực hiện những vở múa hoành tráng là Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM. Hai trung tâm múa này không chỉ đủ diễn viên tài năng mà còn có điều kiện để thực hiện những chương trình múa nghệ thuật. NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM, cho biết: “Không khó để dàn dựng những vở múa đang tạo được hiệu ứng xã hội tốt như Chuyện kể những chiếc giày, thậm chí nhà hát còn có thể làm tốt hơn”.
Tuy nhiên, những sản phẩm múa mang thương hiệu của nhà hát này dường như xuất hiện rất ít trên thị trường giải trí. Có chăng cũng chỉ là những tiết mục được dàn dựng cho chương trình Giai điệu mùa thu, chỉ diễn ra mỗi năm một lần thiên về chất hàn lâm.
Cũng theo ông Thạch, nhà hát đang dựng vở vũ kịch Kẹp hạt dẻ sẽ ra mắt khán giả vào cuối năm nay. Dù đây là lần đầu tiên được công diễn tại TPHCM nhưng vở vũ kịch này cũng là dự án hợp tác với Transposition Programme (Na Uy) chứ không phải được dàn dựng theo chủ ý của nhà hát để tham gia vào thị trường giải trí Việt.
Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen dù nhận biết nghệ thuật múa rất có thị phần trong thị trường giải trí nhưng mục tiêu chính là đào tạo nguồn nhân lực thay vì tập trung đầu tư, khai thác biểu diễn.
Nghệ thuật múa luôn có những đòi hỏi quá cao, đặc biệt là kinh phí và lực lượng diễn viên, việc dựng được một vở múa không phải là chuyện đơn giản, như khẳng định của biên đạo múa Tấn Lộc (nổi tiếng với vai trò biên đạo trong vở Chuyện kể những chiếc giày và Mộc). Đó chính là lý do dù những vở múa do anh làm biên đạo gặt hái thành công ngoài mong đợi nhưng đã nhiều năm, Tấn Lộc vẫn chưa giới thiệu thêm tác phẩm múa nào mới.
Nếu có sự bắt tay của nhiều phía, cùng chung sức xây dựng cho nghệ thuật múa có một thị phần ổn định thì chắc chắn những khó khăn mà nghệ thuật múa đang đối mặt sẽ giảm xuống.
Xét tặng giải thưởng nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh lĩnh vực âm nhạc
Bộ VH-TT-DL yêu cầu Hội đồng cơ sở gửi biên bản làm việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa có văn bản gửi Hội Nhạc sĩ Việt Nam yêu cầu Hội đồng cơ sở xét duyệt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh phải gửi biên bản làm việc trong thời gian sớm nhất về bộ. Theo ông Tô Văn Động, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL, sở dĩ có yêu cầu này vì bộ đã nhận được phản ánh của các nhạc sĩ rằng Hội đồng cơ sở làm việc không nghiêm túc, các nhạc sĩ nhiều lần hỏi về biên bản nhưng không được cung cấp, do đó, bộ cần làm rõ vấn đề này. Trong trường hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam không đưa ra được biên bản làm việc, bộ sẽ yêu cầu Hội đồng cơ sở đối thoại trực tiếp. Trước câu hỏi, nếu Hội đồng cơ sở của Hội Nhạc sĩ Việt Nam có sai sót, việc xét duyệt có tiến hành lại từ đầu, ông Tô Văn Động cho rằng cần chờ đợi kết quả và bộ sẽ có động thái phù hợp. Vào chiều 22-8 tới, Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ có buổi gặp mặt giới báo chí để chính thức thông tin về quá trình xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước từ Hội đồng cơ sở. Cũng liên quan đến việc xét tặng các giải thưởng nói trên, nhạc sĩ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, vừa chính thức gửi thêm một công văn tới Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ VH-TT-DL để đề nghị Hội đồng cơ sở xem xét lại trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên. Công văn nêu rõ, nhạc sĩ Phạm Tuyên là người đã dành trọn đời mình trong việc sáng tạo âm nhạc với hàng trăm tác phẩm dành cho nhiều đối tượng trẻ em và người lớn, trong đó nhiều tác phẩm có ý nghĩa trong sự nghiệp âm nhạc cách mạng Việt Nam. Đây là trường hợp đặc biệt cần quan tâm bởi năm nay nhạc sĩ Phạm Tuyên đã 82 tuổi, không thể chờ đợi những đợt xét duyệt sau. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết nếu trao giải thì ông nhận, chứ không viết đơn, làm hồ sơ để “xin” giải.
H. L. Anh |
Bình luận (0)