Việc Cục Hải quan TP Hà Nội và Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc có dự thảo kết luận kiểm tra sau thông quan, ấn định truy thu hơn 3.300 tỉ đồng thuế nhập khẩu của Công ty Honda Việt Nam (HVN) đang vấp phải sự khiếu nại của doanh nghiệp (DN) này.
“Dọa” xem lại việc đầu tư
Giữa tháng 8-2011, ông Koji Onishi, Tổng Giám đốc HVN, đã có văn bản kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc bị truy thu thuế nhập khẩu linh kiện ô tô.
Theo ông Koji Onishi, từ việc “kiểm tra theo kế hoạch”, Cục Hải quan TP Hà Nội và Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đã có “dự thảo kết luận kiểm tra sau thông quan” với nội dung ấn định truy thu số tiền thuế nói trên cho những lô hàng nhập khẩu của HVN từ 5 năm trở lại đây, mặc dù HVN đã có văn bản giải thích rằng kết luận truy thu là không đúng. Trong văn bản gửi Chính phủ, HVN cho rằng “thực sự lo ngại cho việc đầu tư và có lẽ cần xem xét lại việc sản xuất kinh doanh trong tương lai”.
Liên quan đến vấn đề này, đại biện lâm thời Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi, cũng có thư gửi các cơ quan chức năng đề nghị tạm dừng quy định đánh thuế của cơ quan hải quan và bảo đảm đủ thời gian để thực hiện đối thoại giữa hai bên. “Nếu sự việc không sớm được giải quyết thì sẽ ảnh hưởng đến độ mong muốn đầu tư của các DN nước ngoài, trong đó có Nhật Bản” - bức thư viết.
Trả lời báo chí, đại diện Cục Hải quan TP Hà Nội cho biết kết quả kiểm tra sau thông quan tại HVN cho thấy ghế xe và cụm bánh xe trong bộ linh kiện do DN này nhập khẩu để lắp ráp ô tô Honda Civic có độ rời rạc thấp hơn quy định tại Quyết định 05/2005 của Bộ Khoa học - Công nghệ. Thực tế này đã được DN thừa nhận; bản thân HVN cũng tự kê khai, tính số thuế chênh lệch giữa thuế suất theo nguyên chiếc và theo linh kiện từ năm 2006 - 2011.
Chính phủ vào cuộc
Vướng mắc trong việc tính thuế bộ linh kiện ô tô nhập khẩu còn xảy ra với một vài DN khác như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam, Vinamotor... Tuy nhiên, mức truy thu của các DN này chỉ vài chục tỉ đồng.
Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô không bảo đảm mức độ rời rạc đã được thực hiện nhất quán từ năm 2006. Tháng 5-2010, qua kiểm tra sau thông quan, cơ quan hải quan phát hiện bộ linh kiện nhập khẩu của một số DN có một số linh kiện không bảo đảm mức độ rời rạc nên đã quyết định truy thu thuế theo quy định hiện hành với mức thuế suất của ô tô nguyên chiếc. Nguyên nhân của những vướng mắc này là do các DN chưa thực sự quan tâm để đầu tư bảo đảm mức độ rời rạc theo quy định.
Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Chính phủ, trước mắt, xử lý theo hướng linh kiện không bảo đảm mức độ rời rạc sẽ được tính thuế theo thuế suất của từng linh kiện nếu bảo đảm các điều kiện: Tỉ lệ nội địa hóa của một linh kiện để bảo đảm mức độ rời rạc do Bộ Khoa học - Công nghệ quy định theo phương pháp xác định tỉ lệ nội địa hóa đối với ô tô; tổng giá trị của các linh kiện nhập khẩu chưa bảo đảm mức độ rời rạc không vượt quá 10% tổng giá trị của các linh kiện để sản xuất, lắp ráp thành ô tô hoàn chỉnh; linh kiện đó không bao gồm khung gầm, thân xe, thùng xe, ca bin.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý về nguyên tắc hướng xử lý của Bộ Tài chính và giao bộ này khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 184/2010/TT-BTC về chính sách thuế. Đồng thời, giao Bộ Khoa học – Công nghệ sửa đổi Quyết định số 05/2005 về tỉ lệ nội địa hóa theo nguyên tắc cập nhật sự thay đổi của công nghệ trong sản xuất, lắp ráp ô tô cho phù hợp với tình hình mới.
Bình luận (0)