Tàu Mavi Marmara dẫn đầu đoàn tàu chở hàng cứu trợ cho Gaza bị hải quân Israel tấn công hôm 31-5-2010, làm 9 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Ảnh: AP
Lời kêu gọi trên được đưa ra một ngày sau khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quyết định trục xuất đại sứ Israel và tạm ngừng mọi thỏa thuận quân sự với nước này. Ngoài ra, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết quan hệ hai nước từng là đồng minh gần gũi này sẽ hạ xuống mức bí thư thứ hai của đại sứ quán và mọi quan chức cấp cao hơn hàm bí thư thứ hai sẽ phải trở về Israel trước ngày 7-9 tới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cảnh báo rằng nước này sẽ cân nhắc thêm những biện pháp khác trong tương lai nhưng không cho biết chi tiết cụ thể.
Đây được xem là những động thái trả đũa mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Israel từ chối xin lỗi về vụ hải quân nước này tấn công đoàn tàu chở hàng cứu trợ cho Gaza hôm 31-5-2010, làm 9 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Nội dung một báo cáo của Liên Hiệp Quốc bị rò rỉ kết luận rằng việc hải quân Israel phong tỏa Dải Gaza là hợp pháp nhưng họ đã sử dụng vũ lực “quá giới hạn” và “không hợp lý” trong cuộc tấn công nói trên. Báo cáo kêu gọi Israel cần thể hiện sự hối tiếc về vụ việc và bồi thường cho gia đình những nạn nhân. Mặt khác, báo cáo cho rằng các nhà hoạt động tổ chức chuyến đi cũng góp phần dẫn đến những cái chết nói trên.
Sau vài lần trì hoãn, báo cáo nói trên đã được gửi đến ông Ban Ki-moon hôm 2-9. Một tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói nước này chấp nhận nội dung báo cáo này, đồng thời tỏ ý “rất lấy làm tiếc” trước những tổn thất nhân mạng. Tuy nhiên, tuyên bố khẳng định Israel sẽ không xin lỗi về vụ việc vì cho rằng nước này “có quyền phòng vệ chính đáng”.
Giới phân tích nhận định rằng những tranh cãi nói trên có thể khiến cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Israel đều bị tổn thất. Việc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có lập trường cứng rắn đối với Israel kể từ sau vụ việc hôm 31-5-2010 có thể giúp ông được lòng nhiều cử tri trong nước. Dù vậy, một số nhà phân tích nói với hãng tin AFP rằng Ankara cuối cùng sẽ phải trả một cái giá đắt vì làm phật lòng Mỹ - một đồng minh của cả nước này và Israel. Ngược lại, một số nhà phân tích khác chỉ ra rằng Israel sẽ là “kẻ thất bại thật sự” khi để cho quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ xuống thấp. Lý do là Israel có nguy cơ mất một người bạn Hồi giáo hiếm hoi vào thời điểm thế giới Ả Rập đang có nhiều biến động.
Bình luận (0)