Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cho rằng chuyện bỏ tiền nâng cấp, sửa chữa đường vận chuyển alumin Tây Nguyên gần như đã ngã ngũ.
Quốc lộ 20 nối Lâm Đồng - Đồng Nai đang xuống cấp, sắp tới phải “gánh” thêm đoàn xe tải chở bauxite mỗi ngày.
Ảnh: THI HOÀNG
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trước khi có cảng Kê Gà, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ tính toán để hỗ trợ các địa phương nâng cấp, sửa chữa tỉnh lộ; Bộ GTVT tính toán về số vốn để nâng cấp, làm mới các tuyến quốc lộ theo phân cấp quản lý.
Tuy nhiên, số tiền mà TKV bỏ ra là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu phần trăm tổng số tiền mà các địa phương sẽ bỏ ra để duy tu các tuyến đường thì vẫn phải chờ.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng Ban Nhôm - Titan (TKV), cho biết đang cùng đoàn công tác của TKV có mặt tại Tân Rai (Lâm Đồng) để kiểm tra tiến độ và giám sát thi công dự án; sau đó sẽ họp với địa phương để bàn bạc về phương án vận tải alumin.
Theo một thông tin mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng để gấp rút xây dựng 24 km đường phục vụ việc vận tải alumin từ Nhà máy Tân Rai ra Quốc lộ 20.
Ông Nguyễn Thanh Liêm cho rằng các tuyến tỉnh lộ thuộc địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai đang xuống cấp rất nhanh. Việc bỏ tiền duy tu, nâng cấp đường sá thuộc trách nhiệm của địa phương và họ phải tính toán dựa trên nguồn vốn ngân sách.
“Trường hợp địa phương gặp khó khăn về nguồn vốn, TKV sẽ cùng họ tính toán cân đối, hỗ trợ. Tôi cho rằng khoản tiền hỗ trợ này thay đổi theo từng năm chứ không cố định. Nó phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của tập đoàn” - ông Liêm nói.
Trước câu hỏi bao giờ TKV bắt đầu bỏ tiền để cùng địa phương làm đường, ông Liêm cho biết phải chờ TKV tính toán, cân đối.
“Chúng tôi là doanh nghiệp Nhà nước nên việc bỏ tiền thế nào phải được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phê duyệt. Việc ấy cũng không nhanh được, chúng tôi phải tính toán xem hiệu quả kinh tế ra sao, cân đối khoản lãi đó như thế nào so với khoản tiền bỏ ra làm đường vận chuyển” - ông Liêm bày tỏ.
Theo tính toán của kỹ sư Nguyễn Thị Vuốt, nguyên trưởng Phòng Dự báo - Viện Chiến lược phát triển GTVT (Bộ GTVT), dù dòng xe của TKV chỉ chiếm dưới 10% tổng số lượng xe lưu thông trên các tuyến đường thì đã có khả năng phá vỡ kết cấu cầu, đường gấp nhiều lần so với toàn bộ dòng phương tiện khác cộng lại.
Ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng Giám đốc TKV, cho biết lãnh đạo tập đoàn sẽ tiến hành họp bàn về số tiền bỏ ra hỗ trợ địa phương. “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quyết như thế nào thì TKV sẽ nghiêm túc thực hiện như vậy” - ông Hòa nói.
Cần rút kinh nghiệm sâu sắc
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng Ban Nhôm - Tổng Công ty Khoáng sản (cũ), cho rằng đây là thực sự là bài học trong việc lập và phê duyệt các dự án lớn của Chính phủ.
“Trước đây, chúng tôi đã tính chi phí làm đường vào chi phí thực hiện dự án và yêu cầu chủ đầu tư phải bỏ tiền ra thực hiện.
Đến bây giờ số tiền mà TKV bỏ ra có thể sẽ rất ít, bởi tiền Nhà nước đổ vào đó thông qua ngân sách là không nhỏ” - ông Ban nói và cho biết đây mới là hai dự án thí điểm nên cần rút kinh nghiệm sâu sắc. |
Bình luận (0)