Ngày 8-9, tại trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), các điều tra viên của Công an Tiền Giang đã đọc lệnh bắt và di lý phạm nhân Phạm Cao Giang (SN 1977, ngụ Q.7 - TPHCM) về trại giam Công an tỉnh Tiền Giang để tiếp tục điều tra.
Khoảng 1 giờ 25 phút ngày 26-12-2010, khi thức giấc, anh Huỳnh Anh Tuấn (ngụ xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè - Tiền Giang) phát hiện bị kẻ gian lấy mất giỏ xách, bên trong có gần 700 triệu đồng cùng với 2 điện thoại di động nên đã đến cơ quan công an trình báo. Ngày 30-12-2010, có một người xưng tên Định, điều tra viên Công an tỉnh Kiên Giang, gọi điện thoại cho Công an xã Thiện Trí, huyện Cái Bè thông báo bắt được 2 đối tượng có hành vi cướp giật tài sản.
Theo “điều tra viên” Định, 2 đối tượng này khai nhận có thực hiện vụ trộm tiền của anh Tuấn. “Điều tra viên” này hẹn 2 ngày sau sẽ đến công an xã làm việc. Nhận được tin này, công an xã thông báo cho anh Tuấn biết. Quá vui mừng, anh Tuấn vội liên lạc với “điều tra viên” và được gợi ý bồi dưỡng 11 triệu đồng bằng cách nạp thẻ điện thoại. Sau khi anh Tuấn nạp xong tiền, gọi lại thì “số điện thoại này không liên lạc được...”.
Ngày 3-1-2011, Công ty Cổ phần Rau quả Tiền Giang bị trộm đột nhập lấy đi 400 triệu đồng, một máy tính xách tay và một máy chụp ảnh. Ngày 7-1, Công an xã Long Định, huyện Châu Thành - Tiền Giang nhận được điện thoại của một người xưng tên Long, công tác tại PC45 tỉnh Bình Phước, cho biết Công an tỉnh Bình Phước đang tạm giữ 4 đối tượng liên quan đến vụ trộm ở Công ty Rau quả Tiền Giang.
Công an xã Long Định điện báo về Công an huyện Châu Thành nội dung sự việc. Cùng lúc, “điều tra viên” Long điện thoại cho ông Hoàng, Trưởng Phòng Hành chính Công ty Rau quả Tiền Giang, để thông báo “đã bắt được kẻ trộm”, yêu cầu ông Hoàng đi với công an địa phương để nhận lại tài sản. Long cũng gợi ý bồi dưỡng bằng cách nạp thẻ điện thoại vào số máy của Long. Nghe vậy, ông Hoàng đã nạp thẻ điện thoại cho Long 7 triệu đồng. Sau đó, ông Hoàng gọi lại thì thuê bao ngoài vùng phủ sóng.
Nhiều vụ lừa đảo tương tự xảy ra liên tục ở Tiền Giang. Ban đầu, Công an Tiền Giang nhận định có thể người lừa đảo là cán bộ trong ngành vì nhiều vụ trộm ngay cả báo chí đều không đăng, làm sao “siêu lừa” lại biết rõ! Sau khi lập ban chuyên án, hàng chục trinh sát và điều tra viên giỏi nghiệp vụ đã tỏa ra để nắm tình hình nhưng đều vô vọng.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Tiền Giang đã xác định được nơi xuất phát các cuộc điện thoại lừa đảo là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều khá bất ngờ là khi tìm đến nơi, thủ phạm chính là phạm nhân đang ở… trong tù. Đấu tranh tại chỗ, Giang thừa nhận thêm những vụ án đã gây ra ở các tỉnh, thành khác cũng bằng thủ đoạn tương tự.
Theo lời khai ban đầu, khoảng tháng 12-2010, khi Giang đang chấp hành hình phạt tù, có một người bạn đến thăm nuôi và đọc báo cho Giang nghe về những vụ trộm cắp tài sản giá trị lớn. Từ đó, Giang liền nghĩ ra cách lừa đảo như trên. Tuy nhiên, vì sao những vụ trộm xảy ra ở Tiền Giang chưa có báo đăng, Giang lại biết được? Điều này sẽ được cơ quan điều tra “giải mã” trong thời gian tới.
Bình luận (0)