Chuyện làm ăn thua lỗ, nợ nần đầm đìa của các doanh nghiệp Nhà nước lại trở lên nóng khi hết Kiểm toán Nhà nước rồi đến Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đưa ra báo cáo về “sức khỏe” của những tập đoàn, tổng công ty lớn.
Bên cạnh nhiều tập đoàn và tổng công ty làm ăn hiệu quả, có lãi và giải quyết được công ăn việc làm thì cũng có không ít doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, nợ nần chồng chất. Đặc biệt là những “ông lớn” thua lỗ nặng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Công ty Cho thuê tài chính II (ALC2) thuộc Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam...
Lỗ ít thì vài ba trăm tỉ đồng, nhiều lên tới hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí cả chục ngàn tỉ đồng như EVN. Lý do dẫn tới việc làm ăn bết bát có nhiều, từ khách quan tới chủ quan. Đáng chú ý là trong những doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ thấy có doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành cả ngàn tỉ đồng như EVN. Điều này là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tập đoàn này cách đây khoảng 2 năm khi yêu cầu không đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính. Bên cạnh đó là chuyện buông lỏng quản lý, làm sai, trái quy định tại ALC2.
Việc các “ông lớn” làm ăn thua lỗ không khỏi khiến dư luận quan tâm, bức xúc. Các tập đoàn vốn đã nhận được quá nhiều ưu ái từ nguồn vốn, tài nguyên cho tới thị trường... vậy tại sao vẫn kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ? Đó là câu hỏi lớn lâu nay song vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Cũng có điều rất đáng nói nữa là làm ăn thua lỗ kéo dài nhưng chưa thấy người đứng đầu những doanh nghiệp này bị cách chức, giáng chức ngoài những người vi phạm pháp luật. Trong khi đó, những chế tài với người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ liên miên đã có từ cách đây vài năm. Gần 4 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế giám sát đối với doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh thua lỗ, hoạt động không có hiệu quả, trong đó, yêu cầu cách chức hoặc thay thế những người quản lý, điều hành doanh nghiệp thua lỗ.
Từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, dư luận đặt câu hỏi “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” đâu rồi mà không rút ra với các vị đứng đầu những doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ năm này sang năm khác.
Bình luận (0)