Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp đăng bạ bảo hộ quốc gia từ năm 2005, cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này là UBND tỉnh Đắk Lắk. Nhưng đến tháng 8 - 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk mới cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho 8 doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột. Các doanh nghiệp này có diện tích cà phê hơn 26.000 ha, trong khi vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột có tổng diện tích lên tới 100.000 ha.
Chậm làm chủ thương hiệu
Cho đến nay, chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột chưa hề được đăng ký bảo hộ độc quyền tại một quốc gia nào. Trong khi đó, việc đăng ký bảo hộ ở nước khác theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay hệ thống Madrid (hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid) là yêu cầu có tính bắt buộc để bảo vệ một thương hiệu ở nước ngoài.
Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ gặp vô vàn khó khăn khi thương hiệu đã lọt vào tay các doanh nghiệp nước ngoài
Theo luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Cổ phần Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, nếu đăng ký bảo hộ một nhãn hiệu tại 84 nước tham gia Nghị định thư Madrid, Đắk Lắk chỉ mất có 20.000 USD. Còn nếu đăng ký ở những nước không tham gia thỏa ước này, chi phí tại mỗi nước cũng chỉ từ vài trăm đến hơn 1.000 USD. Đây là số tiền không đáng kể nếu so với 50 tỉ đồng từ ngân sách và các doanh nghiệp tài trợ đã chi vào 3 kỳ festival cà phê Buôn Ma Thuột do tỉnh Đắk Lắk tổ chức.
Ngoài việc chậm chân, chính quyền và các doanh nghiệp ở Đắk Lắk cũng rất thiếu thông tin. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, Luật Nhãn hiệu một số nước và các công ước quốc tế về đăng ký nhãn hiệu đều quy định nếu sau một thời gian nhất định, kể từ khi công bố (như đăng công báo ở Việt Nam) mà không ai phản đối thì một nhãn hiệu sẽ được cấp bảo hộ độc quyền. Trên thực tế, Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Trung Quốc) và Công ty ITM Enterprises (Pháp) đã được bảo hộ nhãn hiệu cà phê “Buon Ma Thuot” và “Dak Lak” mà không gặp sự phản đối nào.
Một minh chứng khác là vào ngày 15-9- 2011, Công ty Cổ phần Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự (Hà Nội) đã gửi thư cảnh báo đến Hội Nước mắm Phú Quốc cho biết nhãn hiệu này vừa bị Công ty Việt Hương (Hồng Kông) nộp đơn đăng ký bảo hộ. Nếu Hội Nước mắm Phú Quốc không lên tiếng phản đối kịp thời, cơ quan có thẩm quyền tại Hồng Kông sẽ chấp thuận bảo hộ cho Công ty Việt Hương và hậu quả pháp lý cũng sẽ tương tự như việc đăng ký nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã bị Trung Quốc đăng ký.
Bị chặn từ cửa khẩu
Cũng theo luật sư Lê Quang Vinh, UBND tỉnh Đắk Lắk với tư cách là cơ quan quản lý cao nhất của chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cần tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp nước ngoài đã ăn cắp thương hiệu, trước hết là Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd của Trung Quốc. Chi phí kiện doanh nghiệp Trung Quốc, dự kiến chỉ mất khoảng 6.000 - 9.000 USD. Với các tài liệu, bằng chứng đã được đánh giá, căn cứ vào luật pháp Trung Quốc và các công ước quốc tế, luật sư Vinh khẳng định khả năng hủy bỏ thành công các nhãn hiệu bị Trung Quốc đăng ký là rất lớn.
Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn tỏ ra khá lúng túng. Ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Tinh thần chung là tỉnh sẽ giải quyết thông qua con đường ngoại giao, thương lượng với phía nước ngoài. Trường hợp không giải quyết được, Đắk Lắk mới xúc tiến việc khởi kiện để đòi lại thương hiệu”.
Ông Phạm Quang Vũ, Tổng Giám đốc Công ty VinacafÉ Biên Hòa: Quyết đòi lại! Việc doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột sẽ khiến thương hiệu cà phê của nhiều doanh nghiệp Việt Nam không vào được thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký thương hiệu sản phẩm trên đó có dòng chữ “cà phê Buôn Ma Thuột” đã trùng lắp với thương hiệu của Công ty CP Vinacafé Biên Hòa, trong khi sản phẩm của Vinacafé Biên Hòa đã có chỉ dẫn địa lý và đã đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc gần 10 năm trước. Công ty Vinacafé Biên Hòa sẽ hỗ trợ UBND tỉnh Đắk Lắk toàn bộ tài liệu, chứng cứ… để đòi lại được thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Bình luận (0)